Rạng danh trí tuệ Việt Nam

Thể thao - Ngày đăng : 06:47, 23/02/2011

(HNM) - Trong quá khứ, Cờ vua Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên đấu trường quốc tế. Nhưng có lẽ phải đến khi Lê Quang Liêm xuất hiện, các cao thủ hàng đầu thế giới mới thực sự thấy ngỡ ngàng khi đọ sức cùng một kỳ thủ Việt Nam…

Lê Quang Liêm thi đấu tại Giải Aeroflot.


Sự kế thừa truyền thống
Trước Lê Quang Liêm, các kỳ thủ Việt Nam đã nổi đình nổi đám với vô số huy chương ở các lứa tuổi "U". Đáng kể nhất là HCV U16 thế giới đại kiện tướng quốc tế (ĐKTQT) Đào Thiên Hải, HCV U20 nữ thế giới (Hoàng Thanh Trang), HCV U10 thế giới (Nguyễn Ngọc Trường Sơn). Chính Lê Quang Liêm cũng đã đặt mốc son trong sự nghiệp khi đoạt ngôi quán quân giải U14 thế giới 2005 (Pháp). Nhưng có lẽ, Cờ vua Việt Nam vẫn chỉ gắn với những điểm sáng ở lứa tuổi "U" nếu không có sự nhiệt huyết, đam mê của Quang Liêm cùng sự đầu tư từ nhiều phía, đặc biệt là gia đình em.

Thực tế, môi trường cờ vua trong nước không đủ chắp cánh cho những tài năng như Liêm, thậm chí sẽ làm em "cùn" đi theo thời gian. Không phải ngẫu nhiên cách đây 5 năm, ĐKTQT Hoàng Thanh Trang đã phải chia tay cờ vua VN để khoác áo Hungary. Nói như ông Đặng Tất Thắng, Trưởng Bộ môn Cờ Tổng cục TDTT thì quyết định đó là hợp lý bởi đã giúp Trang có điều kiện phát triển, khẳng định đẳng cấp khi được thi đấu ở nhiều giải tầm cỡ.

Trong chừng mực nhất định, "cú sốc" Hoàng Thanh Trang đã tạo ra bước ngoặt trong làng cờ, giúp nhiều người có cách nhìn thực tế hơn. Các kỳ thủ không thể phát triển nếu thiếu những chuyến tập huấn dài hạn, tiếp xúc với nhiều VĐV nổi tiếng thế giới với những phong cách khác nhau.

Đằng sau những bước tiến của Liêm nói riêng và nhiều kỳ thủ khác như Thiên Hải, Anh Dũng, Hoàng Thông, Bùi Vinh, Thanh An, Thiên Kim, Bảo Trâm… có sự đóng góp không nhỏ từ "lò cờ" của HLV Hoàng Minh Chương (bố Hoàng Thanh Trang) ở Hungary. Thông qua các giải First Saturday (Hungary), Liêm đã tiến những bước vững chắc trong sự nghiệp.

Có công mài sắt…
Chứng kiến hành trình của Liêm từ một cậu bé vô địch… cờ tướng năm 1997, khi mới học lớp 1, tới khi tỏa sáng để trở thành người đầu tiên bảo vệ thành công danh hiệu Vô địch Cờ vua quốc tế Aeroflot 2011, giành quyền dự giải Siêu ĐKTQT tại Dormund - Đức (tháng 7), World Cup 2011 (Nga), đồng thời được 3 CLB hàng đầu thế giới: Bremen (Đức), Every Grand Roque (Pháp), Qingdao Yucai (Trung Quốc) mời thi đấu… nhiều người sẽ cảm thấy đó là một giấc mơ. Mới trở về nước với danh hiệu vô địch Aeroflot, Liêm ngay lập tức phải chạy đua với chương trình học văn hóa với tư cách sinh viên năm thứ nhất ĐH Sài Gòn. Để có thể học văn hóa và chơi cờ đỉnh cao, gia đình và bản thân Quang Liêm đã phải trải qua nhiều khó khăn. Có lúc sức ép lên đến đỉnh điểm và tưởng như Liêm "kiệt sức", không thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Minh chứng rõ nhất là năm 2006, suýt chút nữa Liêm đã không thể dự Đại hội Olympic Cờ vua (Italia) nếu em không được đặc cách chuyển thẳng vào cấp III (vì thời gian thi sát với giải đấu).

Với Liêm, Giải Aeroflot chính là "lò lửa" khắc nghiệt nhất. Ngay trong lần đầu dự giải (dịp tết cổ truyền 2004), gia đình tự bỏ tiền túi và xác định đi "du lịch" là chính nhưng Liêm đã thi đấu khá thành công, nhận phần thưởng đủ tiền vé khứ hồi và ăn ở. Giải Aeroflot luôn là một giải đấu chất lượng cao với sự cạnh tranh gay gắt ở các bảng. Một quá trình dài em đã được cọ xát, làm quen với những phong cách chơi rất đa dạng của các kỳ thủ đến từ khắp nơi trên thế giới. Kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên môn của em được cải thiện đáng kể. Các kết quả tại giải Aeroflot cũng dần thăng tiến, từ vị trí 50 chung cuộc bảng B (năm 2005) đến vị trí số 1 bảng A (2010) và lặp lại thành tích này trong năm 2011.

Như Mai