Mỹ: Nan giải “cuộc chiến” ngân sách

Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 23/02/2011

(HNM) - Ngày 4-3 tới, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua được kế hoạch ngân sách mới, nhiều cơ quan Liên bang của quốc gia được xem là hùng mạnh nhất thế giới sẽ bị ngưng hoạt động. Lúc đó, trừ những lĩnh vực thiết yếu như điện, nước, cứu hỏa, cảnh sát, mọi cơ quan công quyền khác sẽ bị ngưng làm việc vì không có… tiền.

Người dân bang Wisconsin, Mỹ biểu tình tại đồi Capitol ngày 20-2.


Đây là tình huống đang làm đau đầu Tổng thống Barack Obama bởi thâm hụt ngân sách từ trước tới nay luôn là đề tài gây tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Cuối tuần trước (ngày 19-2), sau một cuộc tranh luận kéo dài đến nửa đêm, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua (235 phiếu thuận/189 phiếu chống) việc cắt giảm 61,5 tỷ USD trong tổng số ngân sách được Tổng thống B.Obama đề nghị là 3,7 nghìn tỷ USD.

Kết quả cuộc bỏ phiếu càng làm sâu sắc thêm trận chiến giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa về ngân sách Mỹ đang thâm hụt ở mức báo động. Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Thượng viện thuộc đảng Dân chủ ngay lập tức lên tiếng chỉ trích kết quả này. Sự thật là các nghị sĩ đảng Dân chủ muốn cắt giảm chi tiêu ngân sách; nhưng họ phản đối các biện pháp cắt giảm quá mạnh từ phía Cộng hòa. Đảng Dân chủ và Tổng thống B.Obama cho rằng cắt giảm chi tiêu mạnh sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế vừa ló dạng của nước Mỹ. Vì thế, dù được Hạ viện thông qua nhưng kế hoạch bị chi phối bởi những người Cộng hòa này sẽ không thể qua ải Thượng viện, nơi đảng Dân chủ chiếm đa số.

Thâm hụt ngân sách tại Mỹ bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi liên tiếp trong hai năm 2009 và 2010, Chính phủ nước này đều chi vượt thu khoảng 1.300 tỷ USD. Năm 2011, dự án ngân sách mới của chính quyền Obama cho thấy thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên mức kỷ lục 1.645 tỷ USD, cao chưa từng thấy trong lịch sử. Vì lý do này, chính quyền của Tổng thống Obama đã phải vạch ra một lộ trình trong suốt thập kỷ tới nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách. Theo đó, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ giảm 1.100 tỷ USD trong 10 năm tới và mức thâm hụt ngân sách vốn chiếm 10,9% tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong năm nay sẽ giảm xuống còn 2,9% GDP vào năm 2018. Trước mắt, trong năm tài chính 2012 (bắt đầu từ tháng 10-2011), Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ cắt giảm 50% ngân sách trợ giá khí đốt cho các gia đình nghèo, ngừng chương trình miễn - giảm thuế hiện đang được áp dụng cho các doanh nghiệp khai thác dầu, than, khí đốt tại Mỹ… Nếu dự kiến này được thực hiện sẽ mang lại khoảng 46 tỷ USD cho ngân sách Mỹ trong vòng 10 năm tới. Phe Cộng hòa cho đây là cuộc "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt và chẳng thấm vào đâu so với mức thâm hụt ngân sách quốc gia và tiền chi cho các cơ quan của Chính phủ. Thủ hiến bang Wisconsin (thuộc đảng Cộng hòa) đã nổ phát súng đầu tiên khi vừa đề xuất buộc công chức phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí y tế và lương hưu, tước bỏ hầu hết quyền thương lượng tập thể của họ. Đề xuất này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của 70.000 lao động bang Wisconsin làm náo loạn đồi Capitol trong 4 ngày liên tiếp (từ ngày 15-2). Đây được xem là trận chiến công khai đầu tiên về chi tiêu ở cấp bang và Liên bang đang có cơ bùng nổ ở các bang khác, nơi cũng đang lâm vào khủng hoảng ngân sách.

Thật khó để nước Mỹ ngay lập tức giải quyết được vấn đề "kinh niên" là thâm hụt ngân sách khổng lồ nếu chỉ dựa vào tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Vì vậy, trước khi có được một giải pháp khả thi, các nhà lập pháp và hành pháp Mỹ buộc phải trả lời câu hỏi liệu có sẵn sàng để người dân của họ vừa mất việc làm vừa mất nhà cửa khi tiếp tục duy trì mức thuế thấp cho những người giàu có hay không? Đây thực sự không chỉ là bài toán nan giải trong "cuộc chiến" ngân sách mà còn là vấn đề công bằng đang đặt ra với nước Mỹ, nhất là trong bối cảnh nước xứ Cờ hoa đang sôi động trước cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2012.

Thùy Dương