Thái Lan gia hạn Luật An ninh nội địa tại Bangkok
Thế giới - Ngày đăng : 19:28, 22/02/2011
Phe "áo đỏ" do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) cầm đầu ở Thái Lan tổ chức biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Bangkok. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Truyền thông địa phương cho biết trong cuộc họp hàng tuần, Nội các Thái Lan đã thông qua đề xuất trên của cảnh sát nhằm đối phó tốt hơn với tình trạng biểu tình của phe "áo đỏ" và "áo vàng" tại khu vực xung quanh các tòa nhà của chính phủ, duy trì hòa bình, an ninh và trật tự tại thủ đô.
ISA cho phép các cơ quan chức năng Thái Lan được quyền ngăn cản bất kỳ người nào đi vào khu vực biểu tình và áp đặt lệnh giới nghiêm. Trước đó, luật này đã được áp đặt tại bảy khu vực cấm ở thủ đô Bangkok từ ngày 9-23/2.
Cùng ngày, Tòa án hình sự Thái Lan đã thả tự do tạm thời cho bảy thủ lĩnh thuộc phe "áo đỏ" chống chính phủ, do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) cầm đầu và một thành viên của phong trào này sau chín tháng bị giam giữ với tội danh "khủng bố" do phát động các cuộc biểu tình trên quy mô lớn tại thủ đô Bangkok hồi năm 2010.
Một thẩm phán cho biết tòa án đã đưa ra quyết định này dựa trên những bằng chứng mới được giới quân sự đưa ra và sau khi các thủ lĩnh của UDD nộp tiền bảo lãnh. Bảy thủ lĩnh của phe "áo đỏ" được trả tự do bao gồm Nattawut Saikua, Weng Tochirakarn, Korkaew Pikulthong, Kwanchai Praipana, Wiphuthalaeng Phatthanaphumthai, Nisit Sinthuprai, Yosawarit Chuklom.
Để được tại ngoại, mỗi người đã phải nộp khoản tiền bảo lãnh là 600.000 bạt (khoảng 19.600 USD), kèm theo điều kiện không được xuất cảnh hoặc xúi giục bạo động.
Trước đó, từ tháng 3-5/2010, phe "áo đỏ" đã tiến hành một cuộc biểu tình lớn nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejajiva. Tình hình nghiêm trọng khiến chính phủ phải triển khai lực lượng quân sự để giải tán người biểu tình. Có tới 90 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và quân đội. Sau khi biểu tình chấm dứt, 19 thủ lĩnh UDD đã bị bắt giữ vì tội khủng bố.
Trong khi đó, 10 thành viên chủ chốt của Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD), hay còn gọi là phe "áo vàng" đã trình diện cảnh sát theo đúng lệnh triệu tập để trả lời các câu hỏi liên quan đến hành vi vi phạm ISA. Những người ủng hộ PAD đã đến trụ sở cảnh sát để bày tỏ sự ủng hộ các lãnh đạo của mình trong bối cảnh an ninh được siết chặt, với khoảng 150 cảnh sát được triển khai.
Phát biểu sau buổi trình diện, một trong những thủ lĩnh của PAD, ông Sondhi Limthongkul nêu rõ các lãnh đạo của PAD tới trình diện chỉ để thể hiện chấp hành lệnh triệu tập của Trung tâm quản lý hòa bình và trật tự (CAPO). Các lãnh đạo của PAD đều bác bỏ cáo buộc vi phạm ISA và PAD sẽ xem xét khả năng kiện chính phủ tùy tiện áp đặt ISA.
Ông Sondhi tuyên bố những người "áo vàng" thuộc PAD sẽ tiếp tục cuộc biểu tình kéo dài mấy tuần qua trước tòa nhà chính phủ.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày, khoảng 1.000 nông dân, đại diện cho những người trồng lúa từ 22 tỉnh miền Trung của Thái Lan, đã tổ chức biểu tình tại Ayutthaya và lập chướng ngại vật ngăn cản các trục giao thông chính đi qua tỉnh này để gây sức ép đòi chính phủ đáp ứng các yêu sách của họ.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, mạng tin của báo "Dân tộc" cho biết những người nông dân trồng lúa yêu cầu chính phủ đáp ứng bốn yêu sách; trong đó có việc nâng giá thu mua thóc từ 10.000 bạt/tấn hiện nay lên 14.000 bạt/tấn, nâng hạn mức chính phủ thu mua thóc từ mỗi hộ gia đình từ 25 tấn/năm lên 40 tấn/năm. Những người biểu tình đưa ra thời hạn bảy ngày để chính phủ thực hiện các yêu sách trên.
Hiện cảnh sát tỉnh Ayutthaya đang đàm phán để nông dân ngừng phong tỏa đường sá. Trước đó, ngày 16/2, gần 2.000 nông dân từ khu vực Đông Bắc cũng đã biểu tình tại Bangkok đòi chính phủ đáp ứng các yêu sách tương tự; đồng thời cảnh báo sẽ đưa thóc từ các tỉnh đến chất trước tòa nhà chính phủ.