Luật Thủ đô và yếu tố đặc thù

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:35, 22/02/2011

(HNM) - Bàn về quản lý dân cư tại Dự thảo Luật Thủ đô, có ý kiến cho rằng: Luật Cư trú đã quy định cụ thể điều kiện thường trú, tạm trú của công dân… Rồi dân gian nói


Cũng có ý kiến khác: Đã đến lúc Thủ đô cần một số cơ chế chính sách đặc thù mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh sao cho xứng đáng với bộ mặt của cả nước... Nhưng những cơ chế chính sách đặc thù này không được trái với Hiến pháp, bảo đảm sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, dù ở Hà Nội hay ở bất cứ địa phương nào…

Một bộ luật mới, với những quy định chưa có tiền lệ nên có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều cũng là điều dễ hiểu, nhưng có một điểm chung nhất, là Thủ đô nên Hà Nội là trái tim của cả nước. Công bằng mà nói, những năm gần đây, Hà Nội đã làm được rất nhiều, Thủ đô đã thay đổi đến ngỡ ngàng trong mắt không ít người xa xứ khi trở về với mảnh đất lắng hồn núi sông. Nhưng hết thảy đều có chung nhận định: Trái tim của nước Việt đang chịu đựng quá nhiều sức ép. Theo kết quả điều tra mới nhất (năm 2009), mật độ dân số của Hà Nội là 1.926 người/km2, trong đó quận Đống Đa có tới 36.550 người/km2, quận Hai Bà Trưng: 29.368 người /km2… Chưa kể tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, những vấn đề về quản lý đô thị, nạn ô nhiễm môi trường… và cả những bài toán nan giải sau khi mở rộng địa giới hành chính…

Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội sau nhiều năm đi vào cuộc sống đã nảy sinh không ít bất cập, nhiều điểm không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Chế tài không đủ mạnh để giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc. "Manh áo" cơ chế đã trở nên quá chật với một Thủ đô đang vươn mình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hà Nội cần một cơ chế pháp lý mới. Do vậy, nếu Luật Thủ đô có những cơ chế đặc thù làm động lực phát triển thì đó là điều thật sự khiến mỗi người chúng ta phải nghĩ. Hà Nội - trái tim của cả nước sẽ tiếp tục phải gồng lên trước những sức ép tiếp tục gia tăng về kinh tế, xã hội. Dân số tăng quá nhanh, nếu không có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ, Thủ đô sẽ không đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng và cung ứng các dịch vụ công cho người dân. Như vậy, đến bao giờ Hà Nội mới hội tụ được tiềm lực để trở thành một Thủ đô văn minh, hiện đại như mong mỏi của hơn 80 triệu người dân nước Việt?

Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa. Trong thời đại kinh tế tri thức, cơ chế thu hút nguồn lực lao động chất lượng cao là hết sức cần thiết. Vì vậy, việc quản lý dân cư với Hà Nội là đòi hỏi tất yếu và cũng là yêu cầu chính đáng. Hơn nữa, xã hội phải có sự quản lý chứ không phải để hoạt động theo bản năng. Do vậy, không thể để việc quản lý dân cư theo lối bản năng "thóc đến đâu, bồ câu đến đó". Nhiều chuyên gia tư pháp cho rằng, nếu không có một số quy định khác với các luật khác thì không cần thiết phải xây dựng Luật Thủ đô. Một số quy định tại Luật Thủ đô khác với một số luật khác cũng là điều bình thường vì luật đều do Quốc hội ban hành và theo quy định: Khi luật ban hành sau có quy định khác với luật ban hành trước thì thực hiện theo luật ban hành sau; luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo luật chuyên ngành. Xây dựng Luật Thủ đô không phải là chuyện " xin - cho" mà cái chính là tạo cho Hà Nội một cơ chế đặc thù để có thể phát triển tương xứng với vị thế đặc thù của Thủ đô…

Là người có nhiều năm kinh nghiệm ở cương vị lãnh đạo TP Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định: Hà Nội hiện phải đối diện với quá nhiều vấn đề do năng lực chủ quan của đội ngũ quản lý, nhưng cũng nhiều vấn đề nảy sinh do khung pháp lý bất cập. Cần phải bàn với quyết tâm rất cao để sớm thông qua luật, nhanh chóng gỡ khó cho Thủ đô…

Nước ta có nhiều thành phố lớn nhưng Hà Nội là đầu não, là Thủ đô, là trái tim của cả nước. Xây dựng Luật Thủ đô là vì cái chung, để hướng đến một Thủ đô văn minh, lịch sự chứ không phải vì lợi ích cục bộ của những người đang sống trong Thủ đô… Đây cũng chính là mong muốn những người yêu Hà Nội trên tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".

Thế Phương