Hầu Thào đã biết cách thoát nghèo
Chính trị - Ngày đăng : 07:11, 22/02/2011
Phóng viên Báo Hànộimới nói chuyện với bà con ở Hầu Thào. Ảnh: Dương Hiệp |
Hầu Thào là một xã vùng cao, nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa chưa đầy 9km nhưng lại có địa hình hết sức phức tạp, chủ yếu là đất dốc và núi đá. Toàn xã có 413 gia đình với 2.540 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 98,6%. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ruộng nước ít, các gia đình phải phá rừng làm nương, trồng ngô, lúa nước. Nguồn sống chỉ trông chờ vào sản xuất lúa một vụ, năng suất lại thấp nên hầu hết gia đình ở Hầu Thào đều thuộc diện nghèo. Nhưng đó là chuyện của những năm về trước, bây giờ bộ mặt kinh tế - xã hội của Hầu Thào đã có nhiều thay đổi, rõ nét nhất là số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 346 hộ, chiếm khoảng 84,39% tổng số hộ trong toàn xã. "Nếu nhìn vào con số 84,39%, các anh sẽ thấy số hộ nghèo ở Hầu Thào là quá nhiều. Nhưng nếu quay trở lại vài năm trước, số hộ nghèo ở Hầu Thào luôn là 100% thì các anh sẽ thấy đấy là con số đáng mừng. Đáng mừng hơn, nhiều hủ tục lạc hậu như phá rừng làm nương, du canh, du cư đã dần được phá bỏ"- Chủ tịch UBND xã Hầu Thào hồ hởi. Nói rồi anh bảo: "Trước đây ngoài điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất nghèo, ruộng ít, nguyên nhân chính khiến Hầu Thào nghèo đó là do trình độ dân trí thấp, hủ tục lạc hậu. Phương thức sản xuất lạc hậu, chủ yếu là chọc lỗ tra hạt và độc canh trên nương, kinh tế theo kiểu tự cung, tự cấp. Thóc, ngô thu hoạch xong, các gia đình lại quy đổi ra rượu. Rượu uống vào say đến ba, bốn ngày mới tỉnh thì bảo sao không nghèo", anh Giang chia sẻ.
Kể chuyện cũ, anh Giàng A Giang không giấu được sự thẹn thùng nhưng khi nhắc đến hiện tại anh phấn khởi hẳn lên. Anh cho biết, thời gian qua Đảng bộ và chính quyền xã đã xác định hướng đi đúng, biết tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, kênh mương... nên đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đơn cử như xã đã vận động bà con đẩy mạnh khai hoang, nhờ đó diện tích gieo cấy không ngừng được mở rộng. Năm 2000, tổng diện tích ruộng nước của xã là 60,37ha, đến năm 2010 đã tăng lên 92,67ha. Năm 2005, diện tích trồng ngô là 60ha, đến năm 2010 đã tăng lên 83ha. Cùng với việc mở rộng diện tích, xã tích cực vận động nhân dân đưa giống mới, có năng suất cao vào gieo cấy, góp phần tăng sản lượng trên một đơn vị canh tác, đồng thời vận động nhân dân kết hợp gieo trồng cây sắn, khoai tây, rau đậu để tăng thu nhập... Nhờ đó, đời sống của đồng bào đã được nâng lên. Toàn xã có 131 hộ có ti vi (chiếm khoảng 31,7%), hơn 30% gia đình có xe máy...
Bí thư xã Hầu Thào Giàng A Sở cung cấp thêm, năm 2010, Hầu Thào xây dựng được thêm 2 công trình thủy lợi tại thôn Hầu Chư Ngài và bản Pho, xóa 10 nhà tạm, xây mới 140 chuồng trại, 21 nhà vệ sinh... "Bộ mặt kinh tế - xã hội của Hầu Thào có nhiều thay đổi nhờ nội lực của địa phương và Chương trình 135 của Chính phủ nên Hầu Thào được đầu tư, quan tâm nhiều hơn. Đấy như trụ sở UBND xã nếu không có Chương trình 135 thì vẫn làm bằng gỗ, lợp lá, chứ đâu được xây dựng bằng tường gạch kiên cố như bây giờ". Năm qua Hầu Thào có 215 hộ đạt gia đình văn hóa (hơn 50%), tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt hơn 98%... Điều đó cho thấy, đồng bào dân tộc Mông ở Hầu Thào đã có chuyển biến rõ ràng về nhận thức, thay đổi nếp sống và cách làm để dần ổn định cuộc sống. Với đà ấy, chắc chắn số hộ nghèo ở Hầu Thào sẽ giảm đáng kể qua từng năm phấn đấu…