Sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh

Trái tim nhân ái - Ngày đăng : 07:08, 22/02/2011

(HNM) - "Lấy tình thương mà dạy thì sau này con ta khôn lớn sẽ lấy tình thương mà ở với đời". Câu danh ngôn được đặt trang trọng ngay giữa khuôn viên Nhà trẻ Hữu Nghị, số 13, ngõ 230 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội như muốn gói tất cả những điều các mẹ ở mái ấm này đã làm, đang làm và luôn tâm niệm trong công việc của mình.


Ở Nhà trẻ Hữu Nghị, mỗi trẻ được nuôi từ 10 đến 15 năm sau đó lại đưa về cho người thân trong họ hàng của các em. Nhà trẻ có phòng học tin học và thư viện. Các em được học từ lớp 1 đến lớp 12 và được học tiếng Anh miễn phí, do giáo viên là người nước ngoài trực tiếp dạy học đàn, học võ… Khi vào ở mái ấm, cuộc sống của các em đã sang một trang mới. Em Đinh Trọng Phúc, cha mẹ đều nghiện ma túy và đã qua đời, để lại cho bà nội nuôi bốn anh em Phúc. Phúc được nhà trẻ nhận vào nuôi khi mới 3 tuổi. Em được học văn hóa, được giao lưu với các tình nguyện viên... Nhiều em được sự dìu dắt, giúp đỡ của các bảo mẫu ở đây đã thi đỗ ĐH, CĐ, trung cấp và học nghề như em Đặng Minh Châu, năm 2003, sau khi tốt nghiệp ĐH đã được đi du học Nhật Bản chương trình sau ĐH. Em Nguyễn Hồng Dung, năm 1999 tốt nghiệp ĐH Thương mại...

Chị Nguyễn Thị Minh Hà, Giám đốc Nhà trẻ Hữu Nghị cho biết, có đến 50% số trẻ được đưa vào nhà trẻ có bố mẹ mắc tệ nạn xã hội đang cải tạo, bị tâm thần hoặc đang trong thời gian thi hành án phạt tù. Đây là một thách thức lớn đối với cán bộ, công nhân viên ở nhà trẻ. Rất nhiều trẻ "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy" khi những người làm cha mẹ lại là gương xấu cho con cái noi theo. Nhưng bằng quyết tâm "bứt cái ngọn ra khỏi gốc đã bị thối rễ", các bảo mẫu kèm cặp dạy dỗ các em biết phải trái và không sa vào các tệ nạn xã hội. Không chỉ chăm lo cho các em về dinh dưỡng, nhà trẻ còn lập một cuốn sổ theo dõi từng hoàn cảnh, đặc điểm tính cách của từng em để có phương pháp nuôi dạy phù hợp.

Hiện những trẻ sống ở đây đã được hưởng khoản tiền trợ cấp 500.000 đồng/tháng. So với mặt bằng giá cả như hiện nay thì số tiền này quá ít. Vì thế để bảo đảm cuộc sống cho "các con", những người làm công tác quản lý ở nhà trẻ phải giật gấu vá vai, bằng cách này hay cách khác vận động tài trợ... Công việc vất vả, lương thấp, nhưng không một ai phàn nàn mà tất cả luôn làm việc hết mình vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

18 năm qua, Nhà trẻ Hữu Nghị đã đùm bọc chở che cho hơn 50 trẻ mồ côi hoặc mất nguồn nuôi dưỡng. Hiện nhà trẻ đang nuôi dưỡng 20 trẻ mồ côi. Cuốn sổ lưu bút của nhà trẻ cứ dày lên mãi với những dòng chữ chan chứa yêu thương và đầy ắp tình người: "Thật hạnh phúc khi được đến thăm nhà trẻ, nó làm tôi thấy ấm áp lòng mình"; "Được vui chơi, tiếp xúc và dạy các em học là kỷ niệm quý giá đối với tôi"; "Chúng tôi thực sự khâm phục trước những tấm lòng và những gì các mẹ đã làm cho các bé"...

Thanh Thúy