Tác động hai chiều với ngành dệt may
Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 21/02/2011
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May mặc Macallan (Tập đoàn Dệt may Plummy). Ảnh: Đàm Duy
Theo Hiệp hội DM Việt Nam, mặc dù đơn hàng XK năm nay khá dồi dào và nhiều DN đã đàm phán được giá XK cao hơn những năm trước 15 đến 20%, nhưng kể cả khi giá XK tăng, các DN, nhất là DN phụ thuộc nhập khẩu nhiều vẫn chưa được hưởng lợi. Năm 2010, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đặt mục tiêu XK hơn 30 triệu USD, nhưng giá trị nhập khẩu nguyên - phụ liệu cũng lên đến gần 30 triệu USD. DN phải gánh khoản chi phí do chênh lệch tỷ giá và lãi suất vay vốn ngân hàng nên dù là DN làm ăn uy tín và có quan hệ lâu năm với khách hàng, thì cũng phải cân nhắc những khoản vay trong thời gian tới. Tổng Công ty CP May 10 cho biết, với may XK, tỷ giá tăng đồng nghĩa với doanh thu dựa trên giá trị hợp đồng tăng, sẽ giúp DN đỡ gánh nặng về chi phí tiền lương cho công nhân, đồng thời có vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng năng suất... nhất là với DN chỉ làm gia công đơn thuần. Tuy nhiên, với 60% giá trị XK thu về từ XK hàng FOB (hàng giao tại cảng) và 40% từ làm hàng gia công, đơn vị chỉ được lợi phần làm gia công do nguyên - phụ liệu được các nhà đặt hàng cung cấp, còn 60% hàng FOB phải chịu áp lực từ nhập khẩu, do giá nguyên - phụ liệu thế giới từ đầu năm biến động mạnh. Mặt khác, việc giá nguyên - phụ liệu đầu vào đồng loạt tăng đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, buộc DN phải tăng giá thành sản phẩm. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang "chập chững" sau khủng hoảng. Một DN chuyên sản xuất vải, dệt khăn và làm hàng dệt kim phục vụ xuất khẩu và nội địa chia sẻ, do cơ cấu sản xuất hàng nội địa chiếm tỷ trọng tới 60%, trong khi hàng XK chỉ chiếm 30%, nên đơn vị cũng không được hưởng lợi nhiều từ việc điều chỉnh tỷ giá. Phần chênh lệch thu được từ XK chỉ bù đắp được phần nào chi phí sản xuất tăng thêm. Hiện, lượng bông trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu toàn ngành, nên năm qua đơn vị đã phải chi hàng chục triệu USD để nhập khẩu bông cùng các nguyên liệu khác.
Có thể thấy, việc điều chỉnh tỷ giá không chỉ nhằm mục tiêu giúp tăng sức cạnh tranh của hàng XK Việt Nam mà còn nhằm hạn chế nhập siêu. Nhưng, với DM, hạn chế nhập khẩu cũng đi đôi với việc hạn chế XK, vì các DN không có đủ nguyên liệu để sản xuất. Hơn nữa, với tình trạng lao động căng thẳng và giá tiêu dùng tăng cao như hiện nay, DN buộc phải tăng lương cho người lao động, khiến chi phí sản xuất tăng, làm giảm hiệu quả sản xuất. Chưa kể, trước thông tin về giá bông tiếp tục "leo thang", nhiều DN đang có kế hoạch nhập khẩu một lượng bông lớn phục vụ cho sản xuất sẽ phải cân nhắc. Bởi, nếu trông vào nguồn vốn tự có thì không thể đủ cho mục tiêu XK năm 2011, trong khi vay USD từ ngân hàng cũng không dễ...