Hà Nội: Quyết liệt phòng chống dịch bệnh chăn nuôi

Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 21/02/2011

(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm (GSGC) lớn nhất cả nước. Do diễn biến thời tiết phức tạp cộng với tâm lý chủ quan của nông dân nên một số nơi xuất hiện các ổ dịch cúm GC, lợn tai xanh, lở mồm long móng (LMLM)…


Tiêm phòng dịch cúm gia cầm cho đàn gà ở huyện Đông Anh. Ảnh: Phương An

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện tổng đàn GC trên toàn TP có gần 17 triệu con, 1,7 triệu con lợn, 120.000 trâu, bò. Lượng tiêu thụ GSGC của Hà Nội trung bình từ 400-500 tấn/ngày, trước và sau Tết Nguyên đán có thể lên tới 600-700 tấn/ngày. Riêng chợ GC Hà Vỹ (Thường Tín) mỗi ngày có thể giết mổ và tiêu thụ tới 20-30 nghìn con/ngày. Thực phẩm từ GSGC không đủ cung cấp với lượng tiêu thụ trên, nên Hà Nội phải nhập thêm GSGC ở các tỉnh, thành phố lân cận. Trong khi đó, dịch bệnh ở một số tỉnh vẫn diễn ra liên tục, nếu không làm tốt công tác kiểm soát, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, với tổng đàn GSGC lớn nhất cả nước và là nơi tiêu thụ mạnh sản phẩm từ động vật, nếu Hà Nội không làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ dẫn tới thiệt hại lớn về kinh tế. Thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển, nhất là dịch cúm GC, LMLM, tụ huyết trùng ở trâu, bò. Thời gian qua, người dân còn lơ là, chủ quan chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên tại Hà Nội đã xuất hiện ổ dịch lợn tai xanh và dịch LMLM ở các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức. Nhưng do được phát hiện sớm, Chi cục Thú y cùng với chính quyền địa phương kịp thời tổ chức tiêu hủy, bao vây, tiêu độc khử trùng, dập dịch không để dịch lây lan. Vì vậy, đợt dịch lợn tai xanh xảy ra tháng 4 năm 2010, có tỉnh, thành phố thiệt hại 200-300 tỷ đồng thì tại Hà Nội nhờ sự chỉ đạo quyết liệt về phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ lợn ốm chỉ có 1%, lợn chết 0,5% tổng đàn, Hà Nội chỉ thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng. Làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi giúp giảm thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách TP.

Tăng cường giám sát, dập dịch kịp thời

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay tại một số tỉnh, thành trong nước đã bắt đầu tái phát các ổ dịch cúm GC, LMLM... Hà Nội đã kiện toàn mạng lưới 3.000 thú y viên cơ sở, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn GSGC. Hà Nội chú trọng công tác giám sát sự tái phát của dịch bệnh ở GSGC; tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm từ GSGC tại các chợ, các chốt kiểm dịch. TP cấp vắc xin cúm GC, LMLM, 4 bệnh đỏ trên đàn lợn, yêu cầu thú y cơ sở duy trì tiêm phòng bổ sung cho đàn GSGC. Tổ chức vệ sinh tiêu độc ở nơi chăn nuôi với mật độ cao, các lò mổ, phương tiện vận chuyển, nơi buôn bán GSGC…

Nhằm tạo hiệu quả phòng chống dịch bệnh, Sở NN&PTNT thực hiện phương châm "Tăng cường giám sát, chủ động phòng ngừa, phát hiện, dập tắt kịp thời". Khi có dịch bệnh là khoanh vùng dập dịch ngay, tiêu hủy vật nuôi nhỏ; đối với trâu, bò, lợn nái thì dùng mọi biện pháp để chữa, giảm thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Hỗ trợ thiệt hại kịp thời cho hộ dân theo quy định của Nhà nước để các hộ không bán chạy GSGC ốm, đồng thời tổ chức vệ sinh tiêu độc diệt mầm bệnh... Với sự chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành chăn nuôi Hà Nội có thể giúp nông dân tránh được sự thiệt hại về kinh tế.

Quỳnh Dung