Kiểm soát vùng nuôi, tăng cường chất lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 21/02/2011
Vẫn câu chuyện hiếm nguyên liệu
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau. Ảnh: Trí Lâm
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, năm 2011 cả nước nuôi khoảng 1 triệu tấn cá tra nguyên liệu, ước thu khoảng 360.000 đến 380.000 tấn philê, giảm 40% so năm 2010. Có sự dự báo này là do diện tích nuôi cá đang bị thu hẹp bởi nhiều lý do. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, hiện diện tích nuôi cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm gần 40% vì hộ nuôi nhỏ lẻ, bỏ ao. Điển hình là tại An Giang, lúc cá tra hưng thịnh diện tích mở rộng trên dưới 1.500ha, nay giảm còn 999ha; Cần Thơ có lúc đỉnh điểm diện tích thả nuôi lên tới 1.400ha nhưng nay chỉ còn 775ha. Tương tự là các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre. Các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản dự báo nguyên liệu cá tra sẽ thiếu đến hết tháng 9-2011. Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho rằng, quan hệ giữa các khâu xuất khẩu, chế biến, giữa người nuôi và nhà cung cấp đang mất cân bằng. Ngoài ra, vấn đề vốn cũng làm đau đầu người nuôi cá tra. Theo tính toán, nghề nuôi cá tra cần vốn lớn, phải đầu tư từ 2,5 đến 3 tỷ đồng cho một hécta ao nuôi thâm canh, do đó hầu hết nông dân nuôi cá đều phải vay ngân hàng. Khi giá cá tra xuống thấp, người nuôi thua lỗ nên không còn tài sản thế chấp để tiếp tục vay ngân hàng. Hơn nữa, lãi suất vay cao cộng với giá thức ăn liên tục tăng (tăng 8 lần trong năm 2010) đã nâng chi phí sản xuất. Thua lỗ, nhiều người bỏ nên diện tích nuôi cá thu hẹp dần.
Bên cạnh sản xuất gặp khó khăn thì thị trường xuất khẩu cũng đang tồn tại nhiều vấn đề đáng lo. Có tình trạng doanh nghiệp tự xây dựng thị trường, thương hiệu riêng mà chưa quan tâm đến thương hiệu cá tra Việt Nam... Đáng ngại là gần đây, cá tra Việt Nam liên lục gặp rào cản thương mại từ các thị trường tiêu thụ lớn: Hoa Kỳ duy trì thuế chống phá giá; Ukraina cảnh báo sản phẩm; Braxin dự kiến thắt chặt kiểm soát và tăng thuế... Đó là chưa kể viễn cảnh cạnh tranh phía trước với một số nước lân cận như Thái Lan, Philippin, Malaysia, Inđônêxia cũng đang triển khai nuôi cá tra. Công tác quảng bá hình ảnh cá tra chưa tốt nên trong năm 2010 cá tra Việt Nam đã bị "bôi nhọ" bằng những thông tin không chính xác...
Ưu tiên nâng cao chất lượng và phát triển thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để sản xuất, phát triển ngành hàng cá tra bền vững cho năm 2011 thì cần giữ ổn định diện tích, sản lượng như năm 2010; xây dựng cơ chế xử lý nhanh, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thị trường với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, VASEP cùng các hiệp hội, địa phương. Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai chương trình thay thế đàn giống bố mẹ, hướng đến cuối năm 2011 chuyển 100.000 con cá tra hậu bị cho các địa phương. Trước mắt, trong quý I năm 2011 sẽ có đợt kiểm tra về vay vốn đối với người nuôi; quý II năm 2011 sẽ ban hành tiêu chuẩn VietGAP cho con cá tra...
Như vậy, vấn đề lớn nhất đối với con cá tra hiện nay là phải tăng cường kiểm soát chất lượng đầu vào để việc nuôi cá tra ổn định, trở thành ngành hàng công nghiệp, đồng thời phát triển mạnh thị trường. Quan điểm là chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Theo Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt thuộc VASEP Dương Ngọc Minh, không nên quá lo lắng về tình hình thiếu nguyên liệu hiện nay, mà quan trọng là cần có biện pháp và tạo điều kiện tốt để củng cố nghề nuôi cá tra. Ngoài ra, phải kiểm soát vùng nuôi, có dự báo cung-cầu, giá sàn xuất khẩu. Đặt tiêu chí sản lượng thấp nhưng tăng cường kiểm soát chất lượng thì giá xuất sẽ tăng. Ông Minh cho biết, VASEP đã tập hợp 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Hoa Kỳ và EU, hiện giá xuất đã tăng 10% đến 20% so với tháng 9 năm 2010. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho rằng phải đẩy mạnh khâu quảng bá, xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua các kênh thông tấn lớn để tạo uy tín cũng như thương hiệu trong người tiêu dùng.
Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2010 tổng sản lượng giống cá tra sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 2,4 tỷ con, diện tích nuôi 5.400ha; sản lượng cá thu hoạch hơn 1,141 triệu tấn; khối lượng xuất khẩu hơn 645.000 tấn với kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD. Năm 2011, phấn đấu sản lượng 2,5 - 2,6 tỷ con giống cá tra các loại; diện tích nuôi 6.000 đến 6.300ha; sản lượng thu hoạch 1,2 - 1,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu từ 1,45 - 1,55 tỷ USD. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ… vẫn là những địa phương chủ lực trong sản xuất và tiêu thụ. |