3N và 3T

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:23, 20/02/2011

Vấn đề là của 3N - Nông dân, Nông thôn, Nông nghiệp. Nông dân. Cuối cùng thì Công ty Vedan cũng phải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho nông dân do hoạt động thiếu trách nhiệm của họ gây nên. Trước thềm năm mới Tân Mão 2011, nhiều hộ nông dân nhận được tiền đền bù - người ít dăm bảy chục triệu đồng, người nhiều hàng trăm triệu đồng.

Vấn đề là của 3N - Nông dân, Nông thôn, Nông nghiệp.
1. Nông dân. Cuối cùng thì Công ty Vedan cũng phải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho nông dân do hoạt động thiếu trách nhiệm của họ gây nên. Trước thềm năm mới Tân Mão 2011, nhiều hộ nông dân nhận được tiền đền bù - người ít dăm bảy chục triệu đồng, người nhiều hàng trăm triệu đồng. Công lý phần nào đã thắng nhưng vấn đề của nông dân không dừng ở đó. Trước khi môi trường bị Vedan hủy hoại, họ biết cách canh tác, làm ăn và sống được nhờ những diện tích mình có. Giờ nguồn sống chính không còn, họ sẽ làm gì với món tiền đền bù đó? Nghe có vẻ nhiều. Hàng chục, hàng trăm triệu đồng, số tiền họ chưa từng mơ nhưng họ làm gì với số tiền đó để sống? Truyền hình Việt Nam đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp với nhiều hộ dân được đền bù. Đến 3/4 trong số họ chưa hề có một dự định gì với khoản tiền ấy. Nói chung những người được hỏi chỉ cười trừ và nói rằng thật may là tiền trả trước Tết và ít nhất từ sinh ra tới giờ họ mới có một cái Tết không lo lắng nhiều... Còn sau Tết thì sao? Không ai dám chắc cuộc sống của họ sẽ ra sao...

2. Nông nghiệp. Thông thường sau Tết Nguyên đán ngư dân Phú Yên ra khơi. Nghiệp chính của họ là đánh bắt cá ngừ đại dương. Mùa cá đầu năm mới nghe chừng thắng đậm, như của ngư dân nhiều vùng khác ở Nghệ An chẳng hạn.

Được mùa đầu năm mà chẳng mấy ai dám cười - được mùa thì giá rẻ nên thậm chí có khi còn thiệt hại hơn mất mùa! Cái vòng luẩn quẩn ấy ám ảnh nông nghiệp đã bao năm rồi. Không chỉ với ngư dân, người làm muối, trồng mía, hay trồng lúa cũng vậy. Mất mùa đã khổ, được mùa cũng lại khổ? Vì sao? Vì đó là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" - nông nghiệp chưa thể chế biến nông sản sau thu hoạch nên hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ (xuất khẩu cũng như trong nước) vào nguyên liệu thô do Bộ NN và PTNT, bộ có nhiều viện nghiên cứu nhất trong các bộ của đất nước, quyết định. Vậy là cá ngừ Phú Yên hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, lại là nước ngoài nên họ muốn ra giá sao dân phải chịu vậy. Cũng như dân miền Tây chịu thua thiệt khi xuất khẩu trái cây, thậm chí hàng chiến lược là cá tra. Chiến lược phát triển nông sản chúng ta đã có và đã thực hiện tốt, nhưng đến giờ vẫn chưa có chiến lược chế biến nông sản sau thu hoạch.

3. Nông thôn. Bộ mặt nông thôn trong vài chục năm vừa qua đã thay đổi đến không ngờ, thậm chí không thể nhận ra làng mình nếu sau vài ba năm không về quê. Và những vấn đề do đổi thay mau chóng đó đặt ra càng không thể ngờ được. Nhất là ở những làng nghề. Đó là thảm họa, có thể nói vậy, thảm họa môi trường. Đời sống nông thôn càng lên, môi trường sống càng xuống. Không chỉ môi trường sống tự nhiên như rác, nước... Cả môi trường sống tinh thần. Đã rất khác xa những lễ hội cha ông để lại. Đã rất khác xa những quan niệm về giỗ chạp và dòng họ... Có cảm giác rằng giờ đây ở quê ta trúc xinh không cứ thế mọc đầu đình mà xinh được; mà có ai đó mải vui quên áo thì cũng chẳng thể "trên cành hoa sen"...

Đó là những vấn đề hôm nay của 3N.

3T là Tâm, Tầm, Tài. 3 tiêu chí chọn cán bộ lãnh đạo được đặt ra tại Đại hội XI của Đảng vừa qua và được toàn Đảng, toàn dân hết sức ủng hộ. Không thể đưa đất nước đi lên, trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 nếu không có những cán bộ lãnh đạo đủ Tâm, đủ Tầm, đủ Tài. Không giải quyết trọn vẹn, triệt để, toàn diện và lâu dài vấn đề 3T của nguồn nhân lực thì chưa thể nói đi lên một cách vững chắc. Dù sao cho đến nay nước ta vẫn là một nước nông nghiệp, thậm chí còn chưa ra khỏi lạc hậu. Đại đa số dân vẫn là nông dân. Thành phần vất vả nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Những vấn đề của 3N đã tồn tại quá lâu mà chưa thấy lối thoát. Đó chính là một trong những thách thức lớn cho 3T. Và đó cũng là sứ mệnh lịch sử của họ.

Nguyễn Triều