Giải quyết “vấn nạn” nhà siêu mỏng, siêu méo: Cách nào?
Đời sống - Ngày đăng : 08:10, 19/02/2011
Một căn nhà “siêu méo” mới được xây dựng trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy). |
Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, giải quyết song hàng loạt ngôi nhà như vậy vẫn tiếp tục mọc lên trên nhiều tuyến đường mới của Thủ đô. Vì sao lại có tình trạng này và đâu là giải pháp để xóa bỏ? Nhiều ý kiến đã được gửi về Báo Hànộimới để bày tỏ những trăn trở, băn khoăn, đồng thời đưa ra kiến nghị, giải pháp…
Ông Nguyễn Việt Hùng (số 30 phố Chùa Bộc, quận Đống Đa): Đường đẹp, nhà vẫn lôm côm
Do đặc thù công việc, tôi được đi nhiều nơi trong và ngoài nước, nhưng có lẽ không ở đâu có những ngôi nhà với kiến trúc "kỳ dị" như Hà Nội. Tết Nguyên đán vừa qua, có dịp đi qua đường Hồ Tùng Mậu, tôi vô cùng ngạc nhiên khi một tuyến đường mới được GPMB, mở rộng cuối năm 2010 nhưng đã có hàng chục ngôi nhà méo xệch mọc lên ngay mặt đường, cao 3, 4 tầng ngất ngưởng. Cũng như nhiều người, tôi phải tự hỏi: Cơ quan quản lý liệu đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình khi cấp GPXD cho những ngôi nhà có hình thù như vậy? Còn nếu không có GPXD thì trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi hàng loạt những ngôi nhà xấu như vậy mọc lên trên cùng một tuyến đường? Nhà nước chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để GPMB, mở rộng một tuyến đường mới thông thoáng, phong quang, hiện đại nhưng kết quả lại được một tuyến phố lộn xộn, nhếch nhác là điều không thể chấp nhận được.
Bà Nguyễn Kim Oanh (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ): "Bỏ quên" quy hoạch hai bên đường…
Từ nhiều năm nay, báo chí và dư luận đã liên tục lên tiếng về vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo trên một số tuyến đường của Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là tại sao những ngôi nhà này thường chỉ xuất hiện tại những tuyến đường mới mở, vừa GPMB? Theo tôi, đó là do khi làm đường, chúng ta mới chú ý đến quy hoạch con đường chứ chưa quan tâm đến quy hoạch chung của toàn khu vực. Không cần học đâu xa, chúng ta hãy nhìn ngay kinh nghiệm xóa nhà siêu mỏng, siêu méo tại Đà Nẵng. Cách làm của thành phố này là mỗi khi xây dựng, mở rộng một tuyến đường, đồng thời giải tỏa thêm từ 60-90m hai bên đường để xây dựng lại theo quy hoạch, bán đấu giá cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, xây dựng những khu nhà tái định cư tại chỗ cho người dân… Nếu Hà Nội cứ giữ cách mở đường nhưng không thu hồi đất hai bên đường như hiện nay thì chỉ những người nắm trước được quy hoạch và kinh doanh bất động sản là có lợi. Và mỗi con đường được mở ra sẽ lại tiếp tục mọc lên những ngôi nhà có kích thước, hình khối kỳ dị, méo mó.
Ông Nguyễn Văn Kỳ (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng): Phải tập trung giải quyết từ gốc
Trước tiên cần khẳng định, xóa bỏ những căn nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là việc không thể làm được. Thành phố đã có những quy định rõ ràng về việc không cho phép xây dựng nhà trên những thửa đất có kích thước hình học không phù hợp, nhưng do buông lỏng quản lý nên đã tạo điều kiện cho những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên. Vì vậy, muốn xóa bỏ tình trạng này phải tìm cho được phương án giải quyết từ gốc. Theo tôi, để xử lý triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo, trước tiên cần quy định chủ đầu tư và chính quyền phải thu hồi, giải tỏa ngay những ô đất có diện tích, hình khối, kích thước không đạt tiêu chuẩn xây dựng quy định. Nếu không, dù chỉ còn 1m2 đất nhưng vẫn thuộc chủ quyền của người dân, họ sẽ đặt chính quyền vào thế khó xử nếu cố tình xây dựng. Với những căn nhà siêu mỏng, siêu méo đang trong quá trình xây dựng, thành phố cần chỉ đạo cấp quận, huyện, phường, xã đình chỉ, tháo dỡ ngay. Mặt khác, thành phố cũng cần sớm có phương án cụ thể, quyết liệt để giải quyết những ngôi nhà không đủ quy chuẩn xây dựng đang tồn tại.