Âm nhạc thể nghiệm: Gian nan tìm khán giả

Giải trí - Ngày đăng : 07:56, 19/02/2011

(HNM) - Thời gian gần đây, tại một số địa chỉ không gian nghệ thuật, quán bar, cà phê đã diễn ra các chương trình âm nhạc điện tử thử nghiệm. Những tưởng đây là tín hiệu vui cho thể loại âm nhạc này, nhưng khi trò chuyện với Vũ Nhật Tân, nhạc sĩ kì cựu của nhạc thử nghiệm Việt Nam, mới biết loại hình âm nhạc mới mẻ này còn quá nhiều rào cản để có thể đến với công chúng.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân.


- Thưa nhạc sĩ, dạo này thấy nhạc điện tử thử nghiệm đã xuất hiện nhiều hơn tại một số quán bar, cà phê, nhà hàng như bar Factory, Tadioto, nhà hàng House of Sơn Tinh, Hợp tác xã, Hanoi Rock City... Như vậy, nhạc thử nghiệm đã có công chúng nhất định?
 - Thực ra Hà Nội vẫn chưa có nơi hỗ trợ chuyên dành cho nhạc điện tử thử nghiệm. Trước đây có Tadioto (Triệu Việt Vương) nhưng vừa thôi hoạt động. Factory đặc biệt nhất, đó không phải là một quán bar mà là một tụ điểm nghệ thuật đích thực. Nhưng ngoài âm nhạc, ở đây còn có các triển lãm tranh, điêu khắc… House of Sơn Tinh và Hanoi Rock City là những nơi chơi nhạc sống với đủ thể loại.

- Như vậy ở Factory, âm nhạc thể nghiệm xuất hiện nhiều nhất với công chúng?
- Có thể nói như vậy, nhưng Factory hiện đang gặp vấn đề vì hàng xóm cho là Factory gây ồn. Vì hệ thống cách âm ở tụ điểm này chưa tốt lắm. Mà hàng xóm thì chưa quen với âm nhạc điện tử thể nghiệm. Tôi có một nhóm phần lớn là người nước ngoài sống ở Hà Nội, chơi nhạc với tôi. Hiện chúng tôi không có chỗ diễn, mà có diễn cũng không bán được vé. Người trong giới, người quen, một số bạn trẻ cũng quan tâm, nhưng không nhiều.

- Không có đất diễn, nhóm VNTG của anh thường chơi nhạc ở đâu?
- Phần lớn chúng tôi tự thu, chơi với nhau, tự làm ra sản phẩm online. Ở nước ta loại này chưa bán được nhiều, đăng ký bán online cũng vậy. Có lẽ người Việt vẫn cho đây là thể loại nhạc lạ, hiếm. Điều đó khác hẳn với nước ngoài, loại âm nhạc này đang phát triển mạnh mẽ. Ở các nước Âu - Mỹ, nhạc thể nghiệm đã có hàng trăm năm. Các nước láng giềng chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc mỗi tối cũng có cả trăm tụ điểm chơi nhạc này. Những gì chúng tôi làm là bình thường, không có gì lạ so với âm nhạc thế giới, nhưng lại mới so với khán giả Việt Nam.

- Anh và những người làm nhạc đã nghĩ cách nào để công chúng đến với nhạc thể nghiệm nhiều hơn?
- Điều ấy không phụ thuộc vào nghệ sĩ chúng tôi. Chúng tôi hoạt động theo xu hướng âm nhạc thế giới và những gì mình yêu thích, muốn đem đến cho công chúng. Chúng tôi cho ra đời rất nhiều sản phẩm. Điều đáng tiếc là công chúng chỉ hiểu rõ và tìm đến những loại hình âm nhạc quen thuộc, tìm đến những tụ điểm lớn. Còn với những cái mới, sự quan tâm còn quá ít. Các trung tâm giao lưu văn hóa nước ngoài ở Hà Nội cũng hỗ trợ nhiều. Chúng tôi mong muốn và cần nhiều hơn nữa những liên hoan âm nhạc điện tử như Liên hoan Âm thanh Hà Nội vài năm qua để đến với công chúng.

- Cảm ơn nhạc sĩ!

Tần Tần