Rùa Hoàn Kiếm: Chuyện cũ, chuyện mới

Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 19/02/2011

(HNM) - Đến giờ, trong tâm thức mọi người Việt không còn ai nghi ngờ về ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tâm linh của hồ Hoàn Kiếm và những công trình văn hóa tọa lạc quanh đây, đặc biệt là hình ảnh

Người dân tập trung đông đúc xem “cụ rùa” nổi. Ảnh: Năng Lực


Nhiều kiến giải khác nhau
Ông Timothy McCormack (Chương trình Bảo tồn rùa châu Á - ATP) cho biết: Với loài rùa Hoàn Kiếm, trọng lượng tối đa của mỗi cá thể có thể đạt 150kg và chỉ phân bố ở một số khu vực hẹp thuộc Việt Nam, Trung Quốc. Xác định đây là loài đặc biệt quý hiếm nên gần đây nhiều dự án quốc tế đã được triển khai nhằm tìm kiếm các cá thể rùa Hoàn Kiếm còn lại. Trên thế giới, hiện chỉ còn bốn cá thể được xác nhận còn sống, trong đó hai cá thể đang được nuôi tại Trung Quốc. Ngoài “cụ rùa” được cho là duy nhất tại hồ Hoàn Kiếm, cá thể còn lại đã được xác định là đang hiện hữu tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) với trọng lượng khoảng 70kg.

Ông Timothy McCormack cho biết thêm, hai con rùa ở Trung Quốc đã được ghép đôi vào năm 2008 với hy vọng có thể sinh ra các cá thể mới. Tại đây, rùa được sống trong chuồng nuôi có thiết kế đặc biệt. Mỗi năm, con cái đẻ hơn 100 trứng, tuy nhiên chưa có quả nào được ấp nở thành công. Sau 3 năm, các nhà khoa học tính đến khả năng con đực không còn khả năng sinh sản trong khi các cuộc điều tra khảo sát ở Trung Quốc về cá thể mới chưa có tín hiệu khả quan nào.

Sau 20 năm nghiên cứu, PGS-TS Hà Đình Đức (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho rằng: Loài rùa Hồ Gươm (cách gọi của PGS Hà Đình Đức - PV) có kích thước lớn nhất trong các loài rùa nước ngọt ở Đông Nam Á và thế giới. Hiện loài rùa này còn một chủng quần rất nhỏ sống trong hồ Hoàn Kiếm. Ngoài cá thể này, hiện còn hai tiêu bản đang được trưng bày tại đền Ngọc Sơn và lưu trữ ở kho của Bảo tàng Hà Nội. “Dựa trên kết quả so sánh về hình thái và trao đổi với một số chuyên gia nghiên cứu rùa quốc tế nhận thấy loài rùa Hồ Gươm hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi đi đến kết luận rùa Hồ Gươm là loài mới và đặt tên là Rafetus leloii” - PGS Hà Đình Đức khẳng định.

Trong khi đó, đề tài khoa học “So sánh hình thái và phân tích DNA (nhận diện gen - PV) mẫu rùa mai mềm nước ngọt của Việt Nam gần với rùa hồ Hoàn Kiếm” do GS-TS Lê Trần Bình và cộng sự thuộc Viện Công nghệ sinh học thực hiện gần đây đã đưa ra một giả thuyết khác. GS Lê Trần Bình cho biết, rùa mai mềm đã được quan sát và thu thập mẫu vật ở nhiều địa điểm khác nhau trên sông Hồng, sông Mã, sông Đà ở miền Bắc Việt Nam. Phân tích hình thái hộp sọ của các mẫu vật thu được cho thấy rùa lớn mai mềm của Việt Nam khác với rùa Rafetus swinhoei - tên quốc tế của Giải khổng lồ Thượng Hải. Trình tự giải mã gen cũng cho kết quả tương tự. Phân tích phát sinh loài cho thấy rùa lớn mai mềm của Việt Nam tạo thành một nhóm riêng biệt, gần Rafetus swinhoei và Rafetus euphraticus. Điều này cho thấy, rùa lớn mai mềm nước ngọt của Việt Nam là loài mới, chưa từng được nghiên cứu phân loài và có thể đặt tên là Rafetus vietnamensis.

Những kiến giải trên vẫn tiếp tục trong quá trình kiểm chứng. Nhưng các nhà khoa học đều thống nhất rằng, “cụ rùa” đang sống tại hồ Hoàn Kiếm là loài đặc biệt quý hiếm và cần được bảo tồn nghiêm ngặt.

“Cụ rùa” nhiều lần nổi.

Sẽ sớm có phương án tối ưu
Trước hình ảnh “cụ rùa” đang bị thương, yêu cầu cần sớm có các biện pháp cấp bách chữa trị, chăm sóc và bảo vệ được lãnh đạo UBND TP xem là nhiệm vụ cần làm ngay. Việc TP lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm ngay sau khi các nhà khoa học có thảo luận công khai về các biện pháp chữa trị “cụ rùa” đã thể hiện quyết tâm này.

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho rằng, sau hội thảo ngày 15-2 với nhiều phương án được các nhà khoa học đưa ra, sẽ cần có những cuộc họp kỹ hơn tiếp theo, cũng như thử nghiệm chữa trên ba ba để biết dùng thuốc như thế nào hay bắt lên ra sao… Đưa “cụ rùa” lên không khó nhưng đưa như thế nào, đặt ở hồ ao hay đặt trong đảo nổi giữa hồ… vẫn cần tính toán kỹ để có giải pháp tối ưu nhất. Trong tháng 2 sẽ tổ chức một cuộc họp nhằm bàn cụ thể hơn về các giải pháp cứu “cụ rùa”, đặc biệt là quy trình cứu chữa vết thương. Các công việc khác như thu dọn chướng ngại vật, đánh bắt và xử lý rùa tai đỏ... có thể làm ngay trong một vài ngày tới.

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam tin rằng, các nhà khoa học của Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến rùa Hồ Gươm. Tuy nhiên, phải nhìn “cụ rùa” trên cơ sở các tập tính của một loài động vật. Dựa vào đó để tìm hiểu căn nguyên, các loại bệnh thường gặp và cách chữa phù hợp nhất, tốt nhất.

Việc chữa trị cho “cụ rùa” là hiển nhiên. Nhưng với những người lạc quan thì rùa Hồ Gươm vẫn còn nhiều thông tin thú vị. Ông Nguyễn Ngọc Khôi - Chủ tịch Tập đoàn thương mại Hà Nội KAT, người có 20 năm nuôi rùa và hiện sở hữu hàng chục con rùa mai mềm có trọng lượng 40-50kg trở lên khẳng định, Hồ Gươm có ít nhất hai “cụ rùa” trở lên. “Điều này có được qua nhiều lần khảo sát và thấy có ít nhất hai vệt tăm bong bóng hơi nước chạy dài trên mặt hồ giống như kiểu máy bay phản lực để lại các dải khói đằng sau. Đường kính mỗi vòng tăm từ 50-70cm” - ông Khôi nói thêm.

Thế Dũng