Thành tâm!

Mỗi ngày một chuyện - Ngày đăng : 07:45, 19/02/2011

(HNM) - Chiều chủ nhật (13-2-2011), chị Hà, nhà ở phố Tây Sơn, chở mẹ đi lễ Phủ Tây Hồ. Ngay từ cổng Phủ dòng người đã nườm nượp chen chân. Đến khoảng sân chính thì người chật cứng, chị Hà và mẹ len mãi cũng không thể vào được đến điện chính. Mẹ chị bảo:

- Thôi, ta ở ngoài sân vái vọng cũng được con ạ, đi lễ cốt ở cái tâm...
Đang thành tâm chắp tay cầu trước ngôi miếu thờ nhỏ ngoài sân, chị Hà chợt nghe thấy giọng mẹ chị nhẹ nhàng:
- Cháu ơi, đừng vứt tiền xuống hồ như thế mà phải tội, hòm công đức ở đằng kia kìa...

Quay ra, chị thấy một đôi trai gái cầm một xấp tiền lẻ trên tay, cô gái vừa nũng nịu khoác tay chàng trai vừa ném những đồng tiền Ngân hàng Nhà nước mệnh giá 1.000 đồng xuống mặt nước. Nghe mẹ chị nói vậy, họ nhìn nhau thoáng ngượng nghịu rồi chen vào sân trong. Trên đường về, chị Hà nghe mẹ giảng giải:
- Con ạ, nhiều người cứ nghĩ rằng đã đi lễ thì càng rải nhiều tiền càng lắm lộc, nghĩ thế là không đúng. Đạo Phật không coi trọng giàu nghèo mà soi vào cái Tâm của người đi lễ. Thời nay, nhiều người đi lễ cứ tung tiền lẻ như "vãi thóc", cắm cả vào cành cây, giúi vào tay, vào lưng Thánh, Phật, mất hết cả thành kính, Phật, Thánh nào chứng cho. Đấy là chưa kể đến việc tiền rơi lung tung, khiến BQL phải đi thu gom rất vất vả. Mẹ thấy ở đền, chùa nào cũng có hòm công đức, "Tâm xuất, Phật biết", mình cứ thành tâm gửi vào hòm công đức gọi là có giọt dầu, nén nhang, đừng vứt tiền lung tung con ạ.

Nghe mẹ nói, chị Hà thoáng xấu hổ vì cũng đã vài lần chị đi lễ cùng bạn bè, cũng thấy đâu đặt tiền đấy; hôm nay chị mới được mẹ giảng giải thấu đáo về việc đặt tiền lễ. Chia sẻ câu chuyện với NXD, chị Hà cho rằng đi lễ đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt và nhiều dân tộc khác. Vì vậy, việc đặt tiền lễ cũng cần có văn hóa, không nên tùy tiện, vừa không thể hiện được lòng thành kính, vừa gây khó khăn cho công tác quản lý tại những nơi tôn nghiêm.

Người Xây Dựng