Chị Lụa
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:18, 19/02/2011
Bị khiếm thị ngay từ khi còn nhỏ, 50 năm qua, chị Lụa sống trong bóng tối với đủ nỗi thiệt thòi. Hơn 30 năm cuộc sống của chị phải dựa hoàn toàn vào người khác và tương lai không có gì được bảo đảm khi không biết chữ, không biết nghề để nuôi sống bản thân mình. May mắn là khi biết tin Hội Người mù huyện Ba Vì được thành lập năm 1993, chị đã tự nguyện tham gia. Ở đây với những người cùng cảnh ngộ, chị đã được chia sẻ những khó khăn vất vả trong cuộc sống và qua đó nỗi buồn của chị cũng đã vơi đi phần nào. Hơn nữa, chị được học chữ nổi Brai. Xác định đây là cầu nối để mở rộng kiến thức, giao lưu với xã hội, chị chịu khó học hỏi và ngày một tiến bộ. Từ đó, chị có thể đọc hiểu các báo, tạp chí của Hội Người mù Trung ương và tiếp thu được nhiều kinh nghiệm sống, biết được nhiều tấm gương người mù vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Do học tốt chữ nổi, chị đã được Hội Người mù huyện Ba Vì chọn làm giáo viên dạy chữ nổi Brai cho nhiều hội viên khác.
Hơn 10 năm nay, chị Lụa đã ân cần dạy chữ nổi cho hàng trăm hội viên mù. Chị luôn nhiệt tình hướng dẫn từ cách đọc chữ, phát âm, rồi viết thành câu sao cho dễ đọc, dễ hiểu. Mỗi lớp học kéo dài hai tháng, điều khó khăn là nhiều hội viên đã lớn tuổi, tiếp thu chậm, nhưng chị vẫn bám lớp, kiên trì truyền dạy với mong muốn tạo thêm cho những người cùng cảnh ngộ cánh cửa nhìn ra thế giới xung quanh. Vì vậy mà đa số hội viên đều đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính, nhiều cháu nhỏ được đi học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu và từ đây tương lai của các cháu ngày một rộng mở hơn.
Để đỡ phụ thuộc vào gia đình, chị đã tham gia tổ sản xuất chổi chít, tăm tre bán tập trung 14-4 của Hội Người mù huyện Ba Vì tổ chức. Đối với người sáng mắt, làm được chổi chít, tăm tre đẹp là điều khó nữa là người khiếm thị. Lúc đầu, chị cũng vất vả như bao người khác từ việc rẽ chít, bó lại thành chổi sao cho chặt rồi đến việc chẻ tăm sao cho khéo. Nhưng với ý chí, nghị lực của mình, chị đã làm ra sản phẩm được thị trường chấp nhận, thu nhập từ nghề này đã đem lại cho chị từ 7 trăm đến 1,2 triệu đồng/tháng. Chị Lụa còn hướng dẫn các hội viên khác làm nghề và đến nay nhiều người đã làm được chổi chít, tăm tre với mức thu nhập đủ sống.
Với những cố gắng vươn lên của bản thân và nhiệt tình giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, những năm qua chị Lụa luôn được hội viên Hội Người mù huyện Ba Vì tin yêu, là tấm gương tiêu biểu của Hội Người mù huyện Ba Vì.
Bài dự thi “Nét đẹp người Thủ đô” xin gửi về hộp thư điện tử: netdep@hanoimoi.com.vn