“Cơn sốt” chưa hạ nhiệt
Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 19/02/2011
Xe tăng được triển khai tại Quảng trường Ngọc Trai đã tạm vãn hồi sự ổn định ở thủ đô Manama của Bahrain trong ngày 18-2. |
Thế nhưng, cơn sốt chưa hạ nhiệt khởi phát từ hai cuộc đảo chính mềm mang tính bước ngoặt ngày càng lộ rõ hơn sức công phá và lan nhanh đến nhiều quốc gia của đôi bờ vết nứt Á - Phi, từ Algeria, Yemen, Jordani, Sudan, Syria, Iraq, Libya tới đất nước nhỏ bé Bahrain.
Thoạt đầu chỉ là những cuộc phản kháng nhỏ lẻ phản đối giá lương thực tăng cao và nạn thất nghiệp từ nhiều tháng nay, cơn sốt đòi thay đổi tại Algeria đã mạnh lên đáng kinh ngạc khi tất cả các thành phần xã hội ở đất nước hơn 32 triệu dân cùng đổ xuống đường lần đầu tiên trong nhiều năm qua. Cuộc tuần hành không ngừng của người dân quốc gia Bắc Phi theo lời kêu gọi của Tổ chức Điều phối quốc gia vì thay đổi và dân chủ đã khiến Chính phủ Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải tuyên bố dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp áp dụng suốt 19 năm qua trước cuối tháng này; đồng thời cam kết một số cải thiện về việc làm, nhà ở và quản lý hành chính nhằm tránh một kết cục như tại Tuinisia và Ai Cập.
Sự nhượng bộ, điều hầu như chưa xảy ra tại những quốc gia mà trật tự điều hành từ trên xuống dưới được đề cao tuyệt đối, cũng đã và đang được lãnh đạo nhiều nước bị ảnh hưởng bởi cơn địa chấn Ai Cập sử dụng như một nỗ lực nhằm trấn an dân chúng. Tuy nhiên, ngay cả tuyên bố không tái cử khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2013 của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh (như người đứng đầu Ai Cập từng lựa chọn) vẫn không ngăn được người biểu tình thôi xuống đường. Hàng nghìn người vẫn tiếp tục "nổi dậy" trên đường phố đòi ông lập tức từ chức để chấm dứt nạn tham nhũng và thiếu cải cách chính trị ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, việc giải tán nội các của Vua Abdullah II cũng chưa thể dẹp yên những người biểu tình ở Jordani. Niềm khát khao về một tương lai ấm no và ổn định cũng đã đưa 2.000 người Iraq ở miền Nam xuống đường. Trong một hoàn cảnh tương tự, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir cũng đang lo ngại về sự chông chênh của chiếc ghế quyền lực và sức nóng của cơn sốt đã lan tới Syria.
Tuy nhiên, dấu hiệu báo động thực sự lên cấp độ mới khi cơn sốt biểu tình đã và đang biến Libya và đất nước Vùng Vịnh Bahrain thành điểm nóng gây chấn động thế giới. Không ít người lo ngại khi đụng độ giữa những người chống chính phủ và lực lượng an ninh Libya trong "Ngày thịnh nộ" 17-2 ở thành phố lớn thứ hai Benghazi làm 6 người thiệt mạng có chiều hướng lan tới thủ đô Tripoli cùng nhiều thành phố khác. Cho đến thời điểm này, giới quan sát tỏ ra tin tưởng 42 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi khó có sự đảo ngược tại quốc gia có thu nhập bình quân đầu người lớn nhất Bắc Phi do vẫn còn tiềm lực kinh tế để trấn an công chúng. Song, tình hình có vẻ không đơn giản như vậy ở đảo quốc Bahrain. Cố gắng ngăn chặn tình trạng rối loạn bằng biện pháp cung cấp 2.650 USD cho mỗi gia đình trên cả nước của Chính phủ quốc gia có diện tích vỏn vẹn 665km2 không vô hiệu hóa được xung đột. Các biện pháp cứng rắn như triển khai 50 xe bọc thép tới Quảng trường Ngọc Trai và dùng hơi cay giải tán hàng nghìn người biểu tình nhằm kiểm soát thủ đô Manama đã khiến cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Bahrain kiềm chế và không để xảy ra bạo lực. Tình hình thủ đô Manama tạm thời đã được kiểm soát nhưng chưa rõ các cuộc biểu tình từ ngày 14-2 nhằm phản đối sự kỳ thị được những người xuống đường cho là có hệ thống của vương triều cầm quyền theo dòng Sunni, đứng đầu là Quốc vương Hamad Bin Isa al-Khalifa đối với người Shiite chiếm 70% tại nước này đã thực sự lắng dịu hay không, khi nguyên nhân của nó chưa được hóa giải.
Cả thế giới đang dõi theo những động thái dù là nhỏ nhất tại khu vực có vị trí quan trọng trên bản đồ địa - chính trị lẫn địa - kinh tế của thế giới. Đây quả thực là một cảnh báo nóng về sự ổn định chính trị từ Trung Đông và Bắc Phi trong bối cảnh hiện nay.