"Cái giá phải trả của vụ chìm tàu quá đắt"

Đời sống - Ngày đăng : 06:06, 19/02/2011

Đây là một sự cố đáng buồn cho du lịch Quảng Ninh. Chúng tôi cam kết xử lý nghiêm, nếu nguyên nhân chìm tàu có liên quan tới các cán bộ thì cũng không vì thế mà châm chước", ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trao đổi với báo chí chiều 18/2.

Ông Đặng Duy Hậu: "Chúng tôi cam kết xử lý nghiêm túc". Ảnh: Nguyễn Hưng.


- Sau hơn một ngày xảy ra vụ chìm tàu làm 12 người chết, tỉnh Quảng Ninh đã làm những gì?

- Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án, việc điều tra sẽ tiếp tục theo đúng quy trình. Ngày 19/2 tàu sẽ được kéo vào đảo Hòn Náp cách địa điểm chìm tàu chừng hơn 300 mét về phía Đông và bơm nước ra. Sau đó tàu sẽ được lai dắt vào cảng, đưa vào vị trí có đà để nâng tàu lên cao nhằm giám định vỏ tàu.

Dù chưa trục vớt song chúng tôi xác định sự cố có nguyên nhân từ vỏ tàu. Khi có kết quả giám định, nếu nguyên nhân do lỗi chủ quan chúng tôi mới quyết định có khởi tố bị can hay không. Tỉnh Quảng Ninh chắc chắn sẽ xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, khách quan. Nếu nguyên nhân dẫn tới vụ việc có liên quan tới các cán bộ thì tỉnh cũng không vì thế mà châm chước.

Còn đối với các du khách, đến thời điểm này, ngoài việc hỗ trợ kinh phí, toàn bộ khách nước ngoài được cứu thoát đã được các đại sứ tiếp nhận, đưa về Hà Nội. Thi thể của 10 người nước ngoài, các đại sứ quan đã tiếp nhận 6, bốn thi thể còn lại (gồm 2 du khách Thuỵ Điển, 1 người Nhật, 1 người Anh) vẫn còn ở lại Quảng Ninh.

- Ông suy nghĩ như thế nào về việc thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đáng lẽ phải bám trụ đến cùng với con tàu nhưng đều sớm nhảy khỏi tàu và thoát nạn?

- Tàu Trường Hải khá nhỏ, phòng ưu tiên cho khách, nên thuỷ thủ ngồi trên boong. Theo quy định, thuyền trưởng phải bám tàu đến cùng. Tuy nhiên, với trường hợp này tôi cho rằng khi phát hiện ra sự việc thì nước đã vào quá nhanh. Theo thông tin chưa chính thức, khi phát hiện ra sự việc thì thuyền trưởng cũng chạy đi thông báo được một số du khách và bản thân cũng phải đập cửa mới thoát ra được.

- Có ý kiến cho rằng, do các phương tiện tham quan trên vịnh đều được đóng bằng gỗ, không thống nhất về quy chuẩn nên dễ dẫn tới sự cố. Quan điểm của ông thế nào?

- Đúng là hiện nay chưa có quy chuẩn, ví dụ như loại tàu nghỉ đêm là tàu sắt hay tàu gỗ. Thực ra, dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh cũng là một loại hình mới và tỉnh cũng đang vừa làm vừa điều chỉnh, tham khảo thêm từ phía các cơ quan chuyên môn, các bộ, ngành liên quan.

Tổng cục Du lịch cũng đang tiếp cận vấn đề này để tới đây đưa ra được khuôn mẫu. Thời gian qua tỉnh liên tục có các quy chế kiểm tra, giám sát để làm sao nâng cao chất lượng tàu.

- Sau khi xảy ra vụ chìm tàu, hoạt động tham quan trên vịnh có thay đổi gì?

- Tỉnh không có quyết định dừng hoạt động tham quan trên vịnh của các công ty mà chỉ dừng hoạt động vận chuyển của công ty Trường Hải từ ngày 18/2. Chiều 18/2 lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng đã làm việc với tỉnh để tìm hiểu về vụ việc.

- Tỉnh Quảng Ninh sẽ làm gì để lấy lại hình ảnh của mình trong mắt du khách trong nước và quốc tế?

- Đây là một sự cố đáng buồn cho du lịch Quảng Ninh, những người thiệt mạng hầu hết là khách nước ngoài, đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Uy tín của chúng ta vì thế sẽ bị ảnh hưởng.

Sắp tới, UBND tỉnh sẽ lập đoàn công tác, rà soát chất lượng tất cả các tàu tham quan vịnh, tập trung vào số tàu kinh doanh loại hình nghỉ đêm trên vịnh. Tổng số loại này hiện có trên 100 chiếc. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ kiểm tra các đội thuỷ thuỷ, lực lượng phục vụ trên các tàu.

Sau kiểm tra, tỉnh sẽ quyết định ai được phép tiếp tục, ai phải dừng kinh doanh loại hình này. Hiện có trên 100 con tàu nghỉ qua đêm nhưng sắp tới có thể rút bớt đi để làm sao hoạt động tốt, an toàn hơn.

Quan điểm của tỉnh là không châm chước, không ưu ái trong vụ việc này. Chúng tôi cam kết xử lý nghiêm túc, không có ngoại lệ vì cái giá phải trả là quá đắt.

Diễn biến vụ chìm tàu Trường Hải trên vịnh Hạ Long


14h ngày 16/2, con tàu của doanh nghiệp tư nhân Trường Hải rời cảng tàu Bãi Cháy. Trên tàu có 27 người gồm thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh (22 tuổi), 4 thủy thủ đoàn, một hướng dẫn viên và 21 khách (trong đó có 19 khách quốc tế).

Đêm 17/2, tàu di chuyển ở khu vực đảo Ti Tốp (vịnh Hạ Long), cách Bãi Cháy khoảng 10 km. Trời mưa phùn, sương mù, nhiệt độ khoảng 10 độ C, nhiều du khách đang say giấc.

5h sáng 17/2, thủy thủ đoàn phát hiện vỏ tàu bị bung và thông báo khẩn cấp. Nước ào ạt tràn vào tàu, một số du khách và toàn bộ thủy thủ đoàn lao xuống biển, được các bạn tàu cứu sống. 12 người (trong đó có 10 du khách nước ngoài) đã bị chìm cùng tàu.

10h sáng 17/2, thi thể 12 nạn nhân đã được tìm thấy. 9 du khách sống sót được đưa về Bệnh viện Bãi Cháy và khách sạn Hòn Gai để chăm sóc. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp thị sát hiện trường. Vụ án được khởi tố điều tra.

Sáng 18/2, công tác trục vớt tàu được tiến hành và đến chiều cùng ngày tàu được đưa vào gần bờ một hòn đảo cạnh Ti Tốp. Dự kiến chiều 19/2 tàu sẽ được đưa lên bờ để phục vụ công tác điều tra.

Theo Vnexpress