Động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Kinh tế - Ngày đăng : 08:04, 18/02/2011

(HNM) - 15 năm, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu công nghiệp Dung Quất (Khu kinh tế (KKT) Dung Quất), đến nay KKT này đã khẳng định được vị thế của mình trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - “trái tim” của Khu kinh tế Dung Quất.

Ban quản lý KKT Dung Quất cho biết, mặc dù đã thành lập được 15 năm, nhưng từ năm 2006 đến 2010, KKT Dung Quất mới có những bước phát triển đáng ghi nhận để khẳng định vị thế của mình. Đây là giai đoạn tăng tốc đầu tư và phát triển với sự đan xen giữa thuận lợi và thách thức. Tính đến đầu năm 2011, KKT Dung Quất đã có 113 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD, trong đó có 101 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 4,03 tỷ USD; 12 dự án nước ngoài tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, có 60 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo ra hơn 12.000 việc làm. Đặc biệt, giai đoạn 2006-2010, đã hình thành tại KKT Dung Quất tổ hợp công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam, gồm các nhà máy lọc dầu (NMLD), đóng tàu, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng Doosan, nhựa Polypropylene, luyện cán thép, nhiên liệu sinh học.

Sự phát triển của KKT Dung Quất đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, đang từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tại KKT Dung Quất hiện có 3 nhà máy có quy mô lớn trên 300 triệu USD, đó là NMLD Dung Quất - NMLD đầu tiên tại Việt Nam với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, từ khi nhận bàn giao (ngày 30-5-2010) đã vận hành ổn định ở 100% công suất. Tính từ thời điểm chạy thử đến hết tháng 12-2010, nhà máy này đã tiếp nhận khoảng 8,3 triệu tấn dầu thô, chế biến và cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn sản phẩm các loại đạt chất lượng. Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất cho biết, năm 2011, công ty đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 5.188.000 tấn xăng dầu các loại, phấn đấu đạt mức doanh thu gần 77.500 tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 15.332 tỷ đồng. Tháng 1-2011 đã bán ra thị trường khoảng 584.000 tấn sản phẩm, trong đó khí LPG ước khoảng 31.000 tấn, Polypropylene 12.000 tấn và 541.000 tấn xăng, dầu các loại, đạt 102,5% kế hoạch. Công ty Công nghiệp nặng Doosan (Doosan Vina) là một trong các tổ hợp công nghiệp nặng quy mô lớn nhất Việt Nam với diện tích 110ha, đầu tư hơn 300 triệu USD, sử dụng gần 2.000 lao động trong nước. Qua hơn một năm đi vào hoạt động đã xuất khẩu sang Brazil, Saudi Arabia, Indonesia, Ấn Độ… nhiều sản phẩm như nồi hơi, máy khử mặn, giàn cẩu... trị giá hơn 250 triệu USD. Doosan Vina đã hoàn thành việc xây dựng cảng nước sâu chuyên dụng tạo thuận lợi cho việc xuất hàng đến các nước. Đặc biệt, Doosan Vina vừa trúng thầu chế tạo thiết bị cho Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh) có công suất 1.000MW và Quỳnh Lập (Nghệ An) có công suất 600MW. Công ty sẽ sản xuất 3/8 thiết bị khử mặn lớn nhất từ trước tới nay có công suất hơn 270 triệu lít nước sạch/ngày. Theo Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), sau khi tiếp nhận từ Tập đoàn Vinashin, hiện vốn điều lệ Tập đoàn cấp 1.117 tỷ đồng, đã thanh toán nợ cho các ngân hàng 756 tỷ đồng, nguồn vốn bảo đảm duy trì sản xuất 3 ca liên tục, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.800 cán bộ, công nhân với mức thu nhập 2,8-3,4 triệu đồng/người/tháng. Công ty phấn đấu trong năm nay sẽ hạ thủy 2 tàu có trọng tải 104.000 tấn và tàu 105.000 tấn… Kết quả trên khẳng định sự đúng đắn trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó trọng tâm là các ngành lọc hóa dầu, ngành công nghiệp nặng gắn với biển và chiến lược kinh tế biển tại KKT Dung Quất.

Để tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư và phát triển KKT Dung Quất trong giai đoạn 5 năm tới 2011-2015, trước mắt là thực hiện Quyết định 2052/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, trong đó quy hoạch cũng đã xác lập việc mở rộng KKT Dung Quất từ 10.300ha lên 45.332ha và sẽ hình thành thành phố công nghiệp mở Vạn Tường; Trung tâm lọc hóa dầu gắn với cảng nước sâu Dung Quất II (khả năng đáp ứng cho tàu trọng tải 250.000-300.000 tấn) hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp nặng, hình thành tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất II và sân bay quốc tế Chu Lai sẽ là nhân tố quyết định, là động lực cho sự phát triển của KKT Dung Quất trong giai đoạn tới.

Từ những định hướng phát triển, Ban quản lý KKT Dung Quất đã đề ra mục tiêu phát triển lâu dài là ngày càng khẳng định vai trò của một khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu - hóa dầu - hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo, như luyện - cán thép, cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển cùng các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu Dung Quất I và Dung Quất II... hướng tới hình thành thành phố công nghiệp Dung Quất là một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ cảng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thanh Mai