Lễ hội thơ ca, lễ hội văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 07:19, 18/02/2011
Thay cho rước lửa như năm trước, ngày hội thơ ca năm nay đón "Đất" và "Nước" từ làng Sen quê Bác và suối Lênin để làm lễ rước trong ngày khai mạc - một cách tưởng nhớ nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Người ra đi tìm đường cứu nước và 70 năm Ngày Người trở về. Giọng thơ ấm áp của Chế Lan Viên trong băng ghi âm bài "Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi" như thể sự đồng vọng nhiều thế hệ, mở đầu cho ngày thơ trên cả 4 sân: truyền thống, hiện đại, thiếu nhi, các CLB thơ.
Lễ hội văn hóa thời đại mới
Đúng như Hội Nhà văn Việt Nam - đơn vị tổ chức từng kỳ vọng: Ngày thơ Việt Nam thực chất là ngày văn chương Việt Nam, là một lễ hội văn hóa thời đại mới. Sau những phần nghi thức của một ngày lễ, còn lại là sự gặp nhau chung của mỗi người đối với thi ca. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Lễ hội thơ ca - một lễ hội văn hóa tao nhã nhằm kế thừa, phát huy các giá trị thơ ca của dân tộc" và theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì "Ngày thơ là một cách ứng xử với thi ca, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống".
Những điều ấy có thể tìm thấy trong không khí Ngày thơ Việt Nam năm nay, một không khí lễ hội không quá ồn ào, đủ trang trọng và ấm áp. Đặc biệt, Ngày thơ năm nay đã bày tỏ sự trân trọng, lòng yêu mến của công chúng nói chung với văn chương nước nhà bằng triển lãm tượng các nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh (bao gồm cả nhà thơ, nhà văn) như Huy Cận, Chế Lan Viên, Ngô Tất Tố, Nguyễn Quang Sáng, Hải Triều, Phan Tứ, Lưu Trọng Lư... Một nét mới đem lại những cảm xúc mới cho một ngày hội văn hóa.
Sân thơ trẻ mọi năm được thay bằng tên mới sân thơ hiện đại để mở rộng thêm đối tượng sáng tác. 10 thi quán xen lẫn giữa người mới và người cũ như Mai Văn Phấn - tác phẩm "Bầu trời không mái che", "Hôm sau" và "Đột nhiên gió thổi", Nguyễn Phan Quế Mai - tác phẩm "Cởi gió" - giải Nhất cuộc thi "Thơ về Hà Nội 2008-2010", Giải thưởng Thơ 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội, Nguyễn Quang Hưng - tác phẩm "Vườn ánh sáng"... Trong đó có rất nhiều điều mới mẻ, thú vị đối với làng văn, đó là câu chuyện bạn đọc từ những nơi xa xôi đi tìm tác giả câu thơ lạ về Hà Nội: "Tôi không được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội/Hà Nội tự sinh ra và tự lớn trong tôi" của Nguyễn Phan Quế Mai; rồi Thụy Anh với tập thơ dịch "Olga Berggoltz của tôi" ríu rít trong vòng vây người đọc, một Nguyễn Khánh Toàn - kiến trúc sư với tác phẩm truyện thơ "Con Hồng cháu Lạc" với 15 nghìn câu thơ về lịch sử, lần đầu tiên tới sân thơ gây ngạc nhiên cho công chúng...
Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX - 2011 tại Hà Nội có sự tham dự của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Phùng Hữu Phú; Phó Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT TƯ Hồng Vinh. |
Lan tỏa những điều tốt đẹp
Có thể gặp ở đây những gương mặt nhà thơ, nhà văn nhiều thế hệ. Góc này có nhà thơ Đỗ Trung Lai, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Đỗ Bạch Mai. Phía kia có nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thế Hùng... Bên chiếc bàn tre nhỏ với thơ, nước chè, kẹo lạc lại thấy nhiều gương mặt khác của văn chương nước nhà. Phải nói, cách thức các nhà thơ trẻ đến với người đọc khá sáng tạo, gần gũi (có trưng bày, sắp đặt, có giao lưu, tặng sách, viết lưu niệm…). Và ngược lại công chúng đến với hội thơ cũng theo cách "tao nhân, mặc khách" mà ứng xử. Mọi người gặp nhau để cùng tiếp thêm cho mình niềm đam mê, sự bền bỉ cống hiến cho thi ca nói riêng và văn chương nói chung.
Thậm chí ta có thể gặp ở đây nhiều người trẻ đang bền bỉ đóng góp cho xã hội, đang ấp ủ những điều tốt đẹp vì cộng đồng như Nguyễn Quang Thạch (người sáng lập mô hình "Tủ sách dòng họ"), như Thụy Anh không chỉ là một dịch giả trẻ, một người làm giáo dục mà còn là một người đang nỗ lực làm giàu văn hóa đọc cho trẻ em bằng mô hình đọc sách cùng con, như KTS Nguyễn Khánh Toàn với dự định viết tiếp những câu thơ vì lịch sử để khám phá "ẩn số nội lực" của đất nước mình...
Thơ ca có một mẫu số chung là lòng yêu con người, cuộc sống, đập những nhịp đập cùng đất nước, nhân loại. Cũng vì thế mà thơ cần cho đời sống. Lễ hội thơ chỉ có một ngày, mà nhà thơ cũng chỉ vui lấy một ngày, còn lại là sống, trải nghiệm và viết để nhân lên những giá trị sống tốt đẹp. Bởi lẽ "Thơ chỉ tràn trong tim ta khi cuộc sống đã thật đầy".
*Cũng trong ngày 17-2, (Rằm tháng Giêng), Ngày thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã chính thức khai mạc với chủ đề "Từ thành phố này Người đã ra đi". Ngay từ rất sớm, Bến Nhà Rồng đã tràn ngập không khí lễ hội thơ ca. Một chương trình thơ - nhạc đặc biệt đã diễn ra với sự thể hiện của nhiều thế hệ nghệ sĩ, các nhà thơ như Trương Minh Nhựt, Lam Giang, Lê Tú Lệ, Từ Quốc Hoài, Trương Nam Hương, Huệ Triệu, Thanh Yến, Lệ Bình, Trần Thị Khánh Hội, Phạm Thị Ngọc Liên, Duy Bằng, Lê Thiếu Nhơn, Tôn Nữ Thu Thủy, Ngô Thị Ý Nhi, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Lê Thị Kim, Phan Hoàng… Tiếp đó là phần khởi động giao lưu với hội viên trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh gồm các nhà thơ Trương Gia Hòa, Lê Thùy Vân, Trần Hoàng Nhân, hai nhà văn Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang. Đặc biệt có cuộc giao lưu khá thú vị với một hội viên mới, cây bút lý luận phê bình văn học trẻ Phạm Ngọc Hiền. Không nặng về trình diễn mà đi vào sự lắng đọng, Ngày thơ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng.