"Thiên đường trốn thuế" rung chuyển
Thế giới - Ngày đăng : 07:16, 18/02/2011
Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua, Thụy Sĩ sẽ giảm được áp lực từ nhiều nước khác đòi hỏi sự minh bạch theo tiêu chuẩn hệ thống tài chính quốc tế; song, quyết định "phá vỡ truyền thống" này thành hiện thực sẽ mang lại không ít khó khăn cho nước này, nhất là trong bối cảnh khu vực đang ngập chìm trong cuộc khủng hoảng nợ. Đây cũng là một cảnh báo tới các "đại gia" ở nhiều nước đang giàu lên một cách nhanh chóng và bất thường trong bối cảnh dân chúng phải chật vật đối phó với giá cả leo thang.
Từ trước đến nay, hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ vốn nổi tiếng là một "pháo đài bí mật". Theo luật của nước này, dữ liệu ngân hàng chỉ có thể được chuyển tới cơ quan thuế nước ngoài trong trường hợp có những chứng cứ rõ ràng về việc khách hàng đã gian lận thuế. Ngoài ra, trốn thuế không được xem là tội ở Thụy Sĩ và khách hàng được quyền chống lại yêu cầu chuyển thông tin về tài khoản của họ cho một cơ quan thuế nào đó. Đây là yếu tố hấp dẫn nhất mang lại thành công cho hệ thống ngân hàng và đưa Thụy Sĩ thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Hiện tại, nước này đang quản lý khoảng 1/3 trong số 7.000 tỷ USD tiền gửi ra nước ngoài của thế giới.
Tuy nhiên, cũng vì truyền thống bí mật ngân hàng gần như tuyệt đối mà Thụy Sĩ vấp phải không ít rắc rối. Nước này đã bị Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp vào danh sách những quốc gia "chưa có sự hợp tác tốt về thuế". Chưa hết, kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ vào cuối năm 2008 dẫn đến các khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, nhiều quốc gia bắt đầu điều tra tài khoản bí mật của những "đại gia" nước mình tại các "thiên đường trốn thuế" nhằm thu hồi số tiền gian lận, bất hợp pháp. Đây là một khoản đáng kể mà nhiều nước không thể bỏ qua. Vì thế, liên tục từ năm 2009, Thụy Sĩ phải đương đầu với yêu cầu nới lỏng luật bảo mật ngân hàng từ nhiều nước.
Nhưng vấn đề này hết sức đáng lo ngại bởi ngành ngân hàng đóng vai trò thiết yếu đối với sự thịnh vượng của Thụy Sĩ. Vì lâu nay, các ngân hàng của Thụy Sĩ vẫn nhận được sự tin tưởng gần như tuyệt đối của nhiều khách hàng trên thế giới. Nếu niềm tin của khách hàng suy giảm, "thiên đường trốn thuế" sẽ phải đối mặt với tình trạng rút vốn ồ ạt tạo ra một làn sóng cực kỳ nguy hiểm tới hệ thống ngân hàng. Bằng chứng là mới đây, một số nhà đầu tư đã báo động sẽ rút khoảng 2.000 tỷ USD từ các ngân hàng của Thụy Sĩ để gửi sang các nước khác.
Hiện tại, tổng tài sản các ngân hàng Thụy Sĩ bằng 6,8 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Vì vậy, ngân hàng quốc gia Tây Âu này rơi vào khủng hoảng sẽ là một mối nguy lớn, được cho là không khác gì cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ năm 2008 khiến hệ thống tài chính thế giới chao đảo đến tận thời điểm này.