Tăng bao nhiêu để bảo đảm an sinh xã hội?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 18/02/2011
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng phê duyệt phương án giá điện năm 2011 để thực hiện từ tháng 3-2011. Như vậy, không lâu nữa giá điện sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu để "bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (SXKD) và đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội" là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Điều chỉnh giá điện tăng một lần
Công nhân điện lực duy tu, bảo dưỡng đường dây tránh thất thoát điện năng. Ảnh: N.Hà
Tăng giá điện đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều chuyên gia, nếu Việt Nam tiếp tục giữ giá các dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong thời gian dài, đến một thời điểm Ngân hàng Nhà nước phải in tiền để trợ giá. Kết quả, lạm phát sẽ cao hơn. Nếu điều chỉnh giá điện theo giá thị trường, kết hợp với chính sách thắt chặt tiền tệ tác động tăng giá sẽ là tác động một lần.
Theo tính toán của ngành điện, giá điện của Việt Nam đã thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và không đủ chi phí trang trải. Giá điện hiện nay là 5,2 cent bình quân (tính theo USD), so với các nước trong khu vực: Thái Lan là 8,5 cent, Singapore là 13,5 cent và Malaysia là 7,6 cent, Indonesia là 8 cent, giá điện Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nước có giá thấp. Do vậy, việc huy động vốn cho các công trình điện kém hấp dẫn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu vốn cho đầu tư các công trình điện, nhất là các công trình nguồn và lưới điện đồng bộ.
Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với các tập đoàn, Tổng công ty 91 mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu về vấn đề giá điện, trong đó khẳng định, giá điện hiện không khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào đầu tư xây dựng nguồn điện. Một thực tế chứng minh là cho đến nay chưa có một dự án điện nào có 100% vốn nước ngoài mà nguyên nhân chính là do giá điện tại Việt Nam không bảo đảm cho SXKD khi công trình đi vào vận hành. Giá sản xuất điện ra 1kW điện trung bình 7-12 cent, nhưng giá bán trung bình chỉ 5,2 cent/kWh. Với giá bán này, các nhà sản xuất điện không bù đắp được chi phí, rất khó nói đến lãi.
Nhiều ý kiến phản đối cho rằng, ngành điện đang có lãi, tại sao phải tăng giá? Công bằng mà nói, DN điện có lãi ở những năm trước là nhờ chi phí đầu tư, coi như không tính chi phí đầu tư, khấu hao đã hết, nhưng lãi giảm dần. Năm 2010, Tập đoàn EVN đã lỗ khoảng 8.500 tỷ đồng. Khoản lỗ này là do chạy dầu để phát điện, trong đó hai loại dầu được sử dụng chủ yếu là dầu FO và DO. Hiện, giá của các loại dầu này trung bình hơn 15.000 đồng/lít và một kilogam dầu chưa được 5kWh điện. Tùy vào từng loại máy phát cụ thể, giá thành điện từ chạy dầu nói chung sẽ dao động 3.300-4.300đ/kWh, trong khi giá bán ra bình quân của năm 2010 chỉ 1.060,63đ/kWh. Nếu chạy dầu DO hết thì lỗ khoảng 3.000 đ/kWh.
Hạn chế tác động đến đời sống nhân dân
Một trong 5 nguyên nhân thiếu điện, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải là về ý thức tiết kiệm cũng như trình độ công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu. Để tạo ra 1 USD (GDP), Việt Nam sử dụng hơn 1kWh điện, trong khi đó các nước trong khu vực chỉ sử dụng khoảng 0,2kWh điện (sử dụng số liệu của World Bank để tính toán). Việt Nam đang sử dụng hơn 20% so với các nước trong khu vực về điện và năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP. Điều này thể hiện, trong những năm qua tỷ lệ đàn hồi giữa GDP và về nhu cầu điện Việt Nam thường tăng gấp 2 lần. Trong khi đó các quốc gia khác khoảng 1,1 lần, trong cùng trình độ phát triển họ cũng chỉ đến 1,6-1,7 lần. Như vậy, hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam chưa tốt, ý thức tiết kiệm điện cũng chưa cao. Rõ ràng, trong điều kiện hiện nay nếu không tiết kiệm điện, không sử dụng điện một cách hiệu quả, Việt Nam sẽ khó có thể đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.
Theo nhiều chuyên gia, việc áp giá điện theo thị trường sẽ hạn chế người dân sử dụng điện, sử dụng điện vào những mục tiêu chưa thật sự cần thiết. Đồng thời, giá điện tăng buộc các DN phải đầu tư máy móc, công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng hơn.
Bộ Công thương cho biết, mức tăng giá điện đề xuất đã được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Cùng với việc tính giá theo cơ chế thị trường, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách bù giá điện cho người nghèo, người thu nhập thấp, thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, góp phần thúc đẩy SXKD và tăng sức cạnh tranh của các DN.
Từ thực tế trên cho thấy, việc tăng giá điện phù hợp với cơ chế thị trường. Nhưng, nếu điều chỉnh không hợp lý sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu điện, thậm chí còn khiến nhiều ngành lợi dụng đầu tư hoặc tăng giá bất hợp lý. Chính phủ đang xem xét, cân nhắc và có quyết định cuối cùng về mức tăng giá này để sớm đưa vào áp dụng.
Ưu tiên phát triển nguồn điện |