Bài kết: Vì sao nên nỗi?
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:07, 18/02/2011
Từ loạt bài này, Hànộimới đã cố gắng phản ánh thực tế, rõ ràng hai mảng màu sáng - tối trong công tác tổ chức lễ hội hiện nay, hay ít ra là tại những nơi chúng tôi cùng các đồng nghiệp, cộng tác viên đã đặt chân đến. Qua đó, ít nhiều có thể nhận xét điều gì là "được", điều gì là chưa, nguyên nhân thế nào và nhà quản lý có thể làm gì thêm để công tác tổ chức lễ hội diễn ra suôn sẻ.
Nhiều người chi hàng triệu đồng mua lễ vào “vay tiền” Bà Chúa Kho. Ảnh: Khánh Chi |
Ngay từ trước mùa hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác liên tiếp ra văn bản hướng dẫn việc quản lý và tổ chức lễ hội. Tinh thần cơ bản là mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, loại trừ hủ tục và xu hướng thương mại hóa. Sự quan tâm, yêu cầu, giải pháp ở tầm vĩ mô đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội là rõ ràng, như bao năm qua đã vậy.
Triển khai từ trên, tinh thần ấy được các cấp tổ chức lễ hội Xuân Tân Mão quán triệt, thực hiện. Ở Hà Nội, Chùa Hương quy hoạch quán xá; Đền Sóc chăm sóc cảnh quan, chuẩn bị hoa tre tặng khách, bố cáo ý nghĩa xuân hội đầu tiên kể từ ngày Hội Gióng được ghi danh Di sản thế giới. Nhìn ra tỉnh, thành phố khác, Lễ hội Đền Trần có thêm nhiều điểm phát lộc ấn, Hội Lim ra lời "tuyên chiến" với "quan họ phát loa", thị xã Uông Bí nâng cấp hệ thống cáp treo, chiếu sáng… Những ngày đầu xuân, ngành văn hóa các cấp chia nhau xuống cơ sở, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thanh tra Bộ, Cục Văn hóa cơ sở đã đến Chùa Hương, Đền Sóc, Đền Và, Phủ Tây Hồ, Đền Cửa Ông… Nơi nào nơi ấy "trình" đủ phương án tổ chức, cam kết nỗ lực vì một mùa hội yên ả.
Chuẩn bị là thế, quán triệt là thế nhưng mùa hội Xuân Tân Mão 2011, dù đỡ lộn xộn hơn nhưng vẫn bộc lộ "khuyết tật" vốn đã rõ từ lâu. Nơi này lan tràn ấn phẩm mê tín dị đoan, hương khói, đồ mã quá mức; nơi kia hàng quán "chém" khách hành hương. Non thiêng Yên Tử có việc cánh bán thuốc dạo đuổi đánh khách chỉ vì… không chịu mua "thuốc lạ". Hương Sơn lộ chuyện lừa đảo người nhẹ dạ bằng "thần dược". Đền Bà Chúa Kho mù mịt khói hương, không thiếu người phải nhờ cánh khấn thuê vái lạy "vay tiền" Bà Chúa. Đền Trần đông nghịt trong giờ khai ấn, thêm điểm phát lộc mà vẫn có người mua phải ấn giả. Ngày chính Hội Lim, quan họ "mộc" vui chưa được nửa buổi thì "tắt tiếng" bởi tạp âm, đành chuyển giọng "quan họ đài". Hội Đền Sóc, năm nay nghiêm ngặt là thế mà vẫn xuất hiện cảnh chiếu bạc giữa hội vui…
Hay nhiều, dở không ít, vì sao?
Người ta từng "vẽ" đủ lý do để biện hộ cho cái sự lộn xộn trong mùa lễ hội. Nào là hội thì phải đông, nhiều người thì ắt xảy chuyện, quản lý không xuể. Nào là ngày vui, không gầm gào loa đài, rộn ràng quán xá thì đâu phải hội, ai người ta thèm đến nữa. Là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và quản lý lễ hội còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn. Rồi là kinh phí tổ chức không đủ, không thể huy động lực lượng cần có, vô tình tạo điều kiện cho những kẻ buôn thần bán thánh. Đền Bà Chúa Kho đông thế, nhiều lễ thế, không thuê xếp lễ nhờ khấn thì sao thu lộc thánh được đúng ý mình. Đền Trần chuẩn bị nhiều lộc ấn rồi đấy nhưng người về quá đông, sao đủ mà phát. Phật ở non cao, bao nhiêu tầng bậc lên xuống, hàng quán không có thì lấy đâu ra đồ uống đồ ăn cho người hành hương… Là "giải trình" thế, chứ nhìn vào bản chất lễ hội và thực tế diễn ra trong những mùa hội bao năm qua mới thấy nguyên nhân cơ bản không thể ra ngoài hai yếu tố: một là ý thức và năng lực quản lý, tổ chức lễ hội còn kém, hội càng to thì ban tổ chức càng lúng túng, càng để xảy ra nhiều chuyện không được phép diễn ra; thứ hai, là ý thức của nhiều người hành lễ còn kém.
Cách nay vài năm, trong một lần gặp vị trong Ban tổ chức Hội Lim, lúc riêng tư, vị này nói với người viết những điều mà ngay bản thân ông cũng không thể lý giải nổi. Rằng hội truyền thống, nức tiếng gần xa, yếu tố nghệ thuật - giải trí rất rõ, mấy trò đỏ đen "cua cá" đâu có giá trị gì. Ấy vậy mà năm nào cũng thế, nam thanh nữ tú có thể túm năm tụm ba quanh những chiếu bạc di động chứ nhất định không bó gối nghe quan họ "mộc" lâu lâu một tý. Quan họ có tăng âm lại khác, ồn ĩ mà hút người ngay. Cảm giác "lạ" từ hội này qua hội khác, thành quen, những điều trớ trêu bỗng thành một phần không thể thiếu của hội lúc nào không hay. Thế nên, lúc ấy, nghe hỏi: "Sao dư luận phê phán ghê thế?", ông nói "xanh rờn": "Thì nói thế thôi, năm sau lại đến ấy mà. Ghê gớm như báo chí nói thì hỏi tại sao năm nào Lim cũng kín người?".
Điều đáng nói là ý thức của một số nhà tổ chức nhiều khi rất chi là xuê xoa. Sự dễ dãi dễ thấy ở phần việc cụ thể, dù khi phát biểu thì ai cũng rõ sự chặt chẽ. Báo cáo chuẩn bị tổ chức lễ hội, đoán chắc là đâu cũng vậy, thể nào cũng có đoạn về tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức tổ chức và tham gia lễ hội. Tuyên truyền có nhiều cách, nhắm mục tiêu và đối tượng khác nhau thì cách thức phải khác nhau. Thế nhưng, với người dự hội, điều cần nhất là để người ta biết gốc tích thờ tự, tôn vinh, để biết mình đang vái lạy ai, có mong năm mới may khôn thì cũng phải biết đối tượng mà mình đang xin nọ xin kia… thì chẳng mấy nơi làm được điều đó cho người hành hương. Mấy nơi có khu giới thiệu lịch sử, giá trị di tích riêng như ở Khu di tích Cổ Loa, Đền Hùng? Lễ hội bao giờ cũng hướng tới một đối tượng cụ thể cần suy tôn, đó là điều người dự hội nên biết. Nhưng việc ấy đâu có dễ nếu không được giới thiệu rõ ràng, bởi theo con số thống kê năm 2009 thì Việt Nam có tới 7.966 lễ hội, 88,36% trong số đó là lễ hội dân gian, 6,28% là lễ hội tôn giáo, còn lại là lễ hội lịch sử, lễ hội mới du nhập từ nước ngoài…
Cả nhà tổ chức và người dự hội cùng có lỗi
"Bệnh" ở lễ hội phát từ lâu, nay có giảm nhưng còn nhiều điều phải nghĩ. Người ta nói nhiều về sự biến tướng ở hội này, sự mai một đối với một số hội khác, nhất là lễ hội dân gian ở vùng khó khăn. "Xu hướng thương mại hóa lễ hội" là một cụm từ thường được dùng hiện nay với ý nghĩa cần được loại bỏ. Thế nhưng, nhìn vào hiện tượng và cung cách ứng xử của người dự hội và của nhà tổ chức một số lễ hội, câu hỏi bật ra là có cách loại trừ xu hướng ấy không?
Lại phải quay lại với cách tuyên truyền để nêu giả thuyết cho vấn đề này. Ở lễ hội Đền Bà Chúa Kho, giả sử như ngày nào đó, ai đến với Bà cũng hiểu rõ mồn một gốc gác sự tình, rằng Bà Chúa không đời nào cho vay tiền đâu, Bà giữ tiền chặt lắm vì đó là phận sự vua giao… Vào đền Bà Chúa mà rõ sự tình, bao người sẽ thôi cái sự "vay, trả" như thể hành xác ấy. Nhưng hội mà không đông, Đền Bà Chúa mà chỉ có người hương khói cảm ơn cái đức mẫn cán coi sóc quân lương của Bà thì ắt ảnh hưởng đến số thu của nhiều người, ảnh hưởng đến "công ăn việc làm" của bao người chỉ chờ trực "buôn thần bán thánh". Ở Đền Trần cũng vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu muôn người như một biết rõ lễ khai ấn vốn là một phong tục tao nhã, ấn chỉ được khai, không phải của cho và chẳng liên quan gì đến sự mua quan bán tước? Liệu có còn chen lấn xô đẩy đêm hôm cướp ấn hay không?
Giữa năm ngoái, ngành văn hóa đã tổ chức hội thảo mang tính tổng kết mùa lễ hội xuân Canh Dần tại thành phố Hải Dương. Trong hội thảo ấy, các đại biểu đã đưa ra con số gần 8.000 lễ hội trong một năm và cho rằng không thể kết luận con số ấy là nhiều hay ít, vấn đề là chúng ta chưa làm rõ được cơ sở khoa học của nhiều lễ hội, chưa xác định được tất cả di sản thực sự có giá trị, bảo đảm các tiêu chí cần thiết để phục hồi và phát huy. Hội thảo ấy đã kết luận một số vấn đề về cách thức quản lý và tổ chức lễ hội. Những điều nêu ra gần một năm trước, nay vẫn còn nguyên giá trị, xin được ghi lại dưới đây, thay cho lời kết về một vấn đề không còn là mới nữa:
"Cần sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, theo hướng phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn; tăng cường vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa các cấp; đi đôi với việc không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng - chủ thể văn hóa của lễ hội. Nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức và quản lý lễ hội cho các cấp chính quyền, cán bộ quản lý văn hóa các cấp và cộng đồng thông qua các hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng và hiệu quả hơn. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến phù hợp với từng đối tượng để hiểu rõ và nâng cao nhận thức, ý nghĩa và giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức, quản lý và tham gia lễ hội. Tiến hành kiểm kê khoa học, phân loại, đánh giá một cách nghiêm túc giá trị của các lễ hội, để từ đó lựa chọn, phục hồi, phân cấp, quy hoạch và có biện pháp quản lý lễ hội phù hợp. Việc phục hồi lễ hội phải tuân thủ nguyên tắc và tiêu chí khoa học, với quan điểm xác định lễ hội dân gian là di sản văn hóa…".