Bỉ: Lập kỷ lục về khủng hoảng chính trường
Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 18/02/2011
Trước đó, sau cuộc bầu cử ngày 7-3-2010, Iraq đã phải mất 249 ngày mới ký được một thỏa thuận liên minh để thành lập chính phủ. Còn với Brussels, sau hơn 8 tháng tồn tại không có chính phủ, Bỉ vẫn bế tắc khi chưa tìm được "người lái đò" đưa quốc gia này vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị
.
Thủ tướng tạm quyền Y.Leterme. Ảnh: Reuters |
Bỉ bắt đầu rơi vào bế tắc chính trị từ hồi tháng 5-2010, do những mâu thuẫn phát sinh giữa các đảng phái chính trị. Tình trạng này không thay đổi ngay cả khi Brussels tiến hành cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6-2010. Các cuộc đàm phán về thành lập chính phủ liên minh giữa các đảng cánh hữu Flemish của cộng đồng nói tiếng Hà Lan và các liên minh cánh tả của cộng đồng nói tiếng Pháp liên tiếp đổ vỡ vì không thể giải quyết được những bất đồng lâu nay về sửa đổi Hiến pháp và phân quyền nhiều hơn cho các vùng ở Bỉ. Nỗ lực của Thủ tướng lâm thời Yves Leterme cũng không thể thu hẹp bất đồng giữa các chính đảng để thành lập chính phủ khiến ông nản chí và đã đệ đơn từ chức. Tuy nhiên, Quốc vương Bỉ Albert II không dễ dàng chấp nhận, bởi lẽ, nếu chấp nhận sẽ đồng nghĩa với việc để Bỉ chìm sâu hơn trong khủng hoảng chính trị.
Tiến trình thành lập Chính phủ dậm chân tại chỗ suốt 8 tháng qua khiến người dân Bỉ đang mất dần kiên nhẫn. "Chúng tôi đang mệt mỏi của trò chơi chính trị. Điều chúng tôi cần hiện nay là nhanh chóng thành lập chính phủ, đưa đất nước trở về quỹ đạo như trước đây", Kliment Kostadinov, một sinh viên tại Ghent nói. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra kêu gọi các chính trị gia tìm một sự đồng thuận. Không biết có phải theo bước cuộc "Cách mạng hoa nhài" ở Tunisie hay không, nhưng giới sinh viên Bỉ đã ra lời kêu gọi một cuộc cách mạng "Khoai tây rán" trong tuần này để kỷ niệm ngày Bỉ "soán ngôi" của Iraq (17-2). Theo dự kiến, người biểu tình sẽ được phát miễn phí khoai tây rán kèm một thông điệp mong muốn một nước Bỉ thống nhất. Trước đó, ngày 23-1, khoảng 20.000-30.000 người đã tham gia cuộc tuần hành hòa bình do một nhóm sinh viên các trường đại học phát động nhằm kêu gọi lãnh đạo các đảng phái chính trị Bỉ đoàn kết để thành lập chính phủ, chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài.
Không chỉ dừng lại ở biểu tình, một số người còn đưa ra những "kế sách" được cho là mới lạ. Trong một đoạn băng video lan truyền rộng rãi trên mạng internet, nghệ sĩ nổi tiếng Benoit Poelvoorde kêu gọi các đấng nam nhi xứ Bỉ "không cạo râu". Ông B.Poelvoorde nói: "Chúng tôi đã quyết định không cạo râu chừng nào chính phủ mới chưa được thành lập. Chúng ta hãy cùng để râu để chứng tỏ nước Bỉ thống nhất và chúng ta sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này!". Kế sách của Thượng nghị sĩ Marleen Temmerman Flemish còn "độc" hơn khi bà lên tiếng kêu gọi vợ của các chính khách, các thượng nghị sĩ Bỉ tẩy chay quan hệ tình ái với các ông chồng cho tới khi tình hình bế tắc chính trị ở Bỉ được giải quyết ổn thỏa. Theo Thượng nghị sĩ M.Temmerman Flemish, kinh nghiệm cho thấy vào năm 2009, các nam chính trị gia Kenya đạt được thỏa hiệp thành lập chính phủ chỉ trong 1 tháng sau khi bị phái đẹp dọa "cấm cửa".
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, chìa khóa để thành lập chính phủ mới ở Bỉ vẫn nằm trong tay các chính đảng. Nếu họ không đặt lợi ích quốc gia lên trên hết thì chắc chắn điềm lành chưa thể đến với quốc gia châu Âu này và các cuộc biểu tình hay sáng kiến "Khoai tây rán" cũng như kế sách "cấm cửa" của các quý bà... sẽ chỉ là những "trò chơi" của người dân xứ Thức ăn của các vị thần.