Ngày Rằm vào hội

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 18/02/2011

(HNM) - Ngày 17-2 (15 tháng Giêng), lễ hội Tản Viên Sơn Thánh - hội Đền Và đã diễn ra trong không gian rộng lớn suốt từ thị xã Sơn Tây (Hà Nội), qua sông Hồng đến Đền Ngự Dội, thôn Di Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

* Độc đáo lễ hội Đền Và
* Kỷ niệm 483 năm Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
(HNM) - Ngày 17-2 (15 tháng Giêng), lễ hội Tản Viên Sơn Thánh - hội Đền Và đã diễn ra trong không gian rộng lớn suốt từ thị xã Sơn Tây (Hà Nội), qua sông Hồng đến Đền Ngự Dội, thôn Di Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Lễ rước hội Đền Và. 


Hội Đền Và đã có hàng trăm năm nay. Hội chính diễn ra đúng ngày rằm tháng Giêng. Những làng có liên quan tín ngưỡng ở Đền Và là các làng Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; làng Phù Sa, Phú Nhi thuộc xã Viên Sơn và làng Di Bình (tỉnh Vĩnh Phúc) cùng nhau tổ chức. Sau lễ tế, đoàn rước Đức Thánh Tản khởi hành, qua phố Ngô Quyền, Phùng Hưng, Phó Đức Chính, Lê Lợi… ra sông Hồng rồi sang Đền Ngự Dội làm lễ "mộc dục" (tắm thánh). Đám rước đi qua ngõ phố nào đều được các chủ nhà hân hoan đón mừng bằng một mâm lễ vật, gọi là "cung đốn", khi đi qua sông thì làm lễ "độ hà" cầu Hà Bá phù hộ cho dân vạn chài được may mắn, không gặp gió bão, không bị đắm thuyền.

Lễ hội Đền Và còn có nhiều trò chơi dân gian độc đáo: đánh đu, đấu vật, kéo co, chơi cờ người, thổi cơm thi… nhằm khích lệ tinh thần thượng võ, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu do các bậc tiền nhân để lại. Lễ hội kết thúc vào ngày 18-2 (16 tháng Giêng).

Cùng ngày, huyện Thạch Thất đã tổ chức lễ kỷ niệm 483 năm Ngày sinh Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tại nơi ông sinh ra và lớn lên - thôn Bùng, xã Phùng Xá. Tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai, Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, mất năm 1613. Sinh thời, ông là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, từng đỗ đầu kỳ thi hương ở xứ Thanh; đỗ Hoàng giáp ở kỳ thi Hội; từng giữ chức ký lục ở ngự dinh, được phong chức Kiệt tiết tuyên lực, công thần, được thăng Công bộ Tả thị lang… Ông được nhà Lê tin tưởng cử làm Chánh sứ sang Minh, được vua Minh khen tài giỏi. Ông cũng là người có công đưa giống ngô, giống đậu từ Trung Quốc về trồng ở quê nhà, là người dạy cho dân nghề trồng dâu, dệt vải, cải tiến cày, bừa, lấy nước canh tác… Ngoài ra, ông còn là nhà thơ nổi tiếng. Nhân dịp này, một số tác phẩm đặc sắc của ông hoặc viết về ông, như "Thư Đường Hoàng Đạo"; "Kính họa vần thơ của Chi Long Sứ công"; "Trung"; "Thăm đền cụ Trạng Bùng"; "Về Bùng thấy dấu chân cụ Trạng"… đã được giới thiệu tới người dân và du khách.

* Tối 16-2 (tức 14 tháng Giêng - Tân Mão), hàng vạn du khách thập phương và cán bộ, nhân dân tỉnh Hà Nam đã về Đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam) tham dự lễ hội phát lương Đức Thánh Trần Xuân Tân Mão 2011.

Đền Trần Thương thờ vị Anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ thứ XIII. Nơi đây từng đặt kho lương thực chính phục vụ kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285), năm 1989 được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Đúng giờ tý ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Mão 2011, sau lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của vị tướng tài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Ban tổ chức lễ hội đã phát 30 nghìn túi lương gồm ngô vàng, thóc nếp và tờ in ấn Vua Trần cho du khách và nhân dân địa phương làm quà may mắn đầu xuân.

"Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng", dịp này, nhiều người đi lễ dẫn tới tình trạng ùn tắc ở nhiều nơi.

Từ 16-20h ngày 14 tháng Giêng, phương tiện giao thông bị ùn tắc suốt từ đầu cầu vượt, hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi do khu vực này có hàng nghìn người dân xếp hàng chờ vào làm lễ giải sao. Hoa quả, chuối oản la liệt vỉa hè. Không chen chân được vào, nhiều người đã đăng ký viết sớ, giải hạn với những người tự nhận là "người nhà đình". Sau khi ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, gia chủ phải nộp 100.000 đồng/người.

Tại Chùa Quán Sứ, Chùa Hà, Phủ Tây Hồ, ban thờ những nơi nổi tiếng linh thiêng này không còn chỗ trống, nhiều người phải đội mâm lễ lên đầu hoặc dâng lễ từ xa. Giá cả dịch vụ đắt đỏ. Ở Phủ Tây Hồ, 3 lá sớ có giá 50.000 đồng, tiền lẻ đổi "10 ăn 7", đỉnh vàng loại lớn 180.000 đồng/1 cái… Dịch vụ gửi xe bên ngoài Chùa Quán Sứ bội thu với giá 10.000-15.000 đồng/xe máy, 40.000-50.000 đồng/ô tô. Hàng vạn khách đổ về Chùa Hương trong ngày 14 và ngày rằm, Chùa Trầm (Chương Mỹ), Chùa Thầy (Quốc Oai), Chùa Tây Phương (Thạch Thất), Bia Bà (Hà Đông) nườm nượp khách tới làm lễ cầu an... nên giá dịch vụ cũng tăng cao.

Đi lễ chùa ngày Rằm tháng Giêng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam nhưng sự xô bồ đã làm mất đi nét đẹp văn hóa vốn có.


Tiểu Long

Minh Ngọc - Tuấn Việt