Giảm áp lực bằng chất lượng

Giáo dục - Ngày đăng : 07:13, 17/02/2011

(HNM) - Theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội, công tác tuyển sinh (TS) vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10) năm học 2011-2012 cơ bản giữ ổn định như năm trước. Một trong những yêu cầu quan trọng với công tác TS năm nay là kiên trì theo chủ trương "ba tăng, ba giảm", đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu giảm số HS trái tuyến để dần giảm áp lực trong công tác TS…


Nỗi lo còn đó

Với mục tiêu công khai, bảo đảm thuận tiện cho các nhà trường và phụ huynh, HS nắm rõ quy định của ngành để thực hiện, phương án TS vào các lớp đầu cấp của Hà Nội năm nay được xây dựng khá sớm. Những vấn đề nổi cộm trong công tác TS năm học trước được các cấp quản lý giáo dục cân nhắc, rút kinh nghiệm. Và vấn đề gây đau đầu nhất với những người quản lý ngành vẫn là làm thế nào để hạn chế tình trạng HS học trái tuyến.

Năm học 2011-2012, Hà Nội chú trọng việc giảm số học sinh trái tuyến. Ảnh: Lê Tuấn

Thống kê của Sở GD-ĐT trong năm học 2010-2011 cho thấy, vẫn còn khoảng 10% HS học trái tuyến (gồm gần 10.000 HS lớp 1 và 7.800 HS lớp 6). Theo ông Nguyễn Thế Đại, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình thì không thể chấm dứt được tình trạng học trái tuyến bởi thực tế, có nhiều gia đình chưa hẳn vì chọn trường chất lượng mà chọn theo nhu cầu chăm sóc con, có thể là trường có bán trú, ở gần cơ quan bố, mẹ để tiện đưa, đón.

Công tác tư vấn cho HS cũng cần được đặt ra ngay từ lúc này, để giúp các em cân nhắc, quyết định chọn trường sao cho phù hợp với nguyện vọng và khả năng. Thực tế mùa TS năm học trước cho thấy, có một số HS đăng ký nguyện vọng vào 2 trường mà gần như năm nào cũng có điểm xét tuyển bằng nhau (ví dụ như Trần Phú và Trần Nhân Tông) hoặc HS có nguyện vọng học trường ngoài công lập nhưng do chưa hiểu hết quy định nên không tham gia thi tuyển dẫn đến không có điểm xét tuyển vào trường. Yêu cầu đặt ra với đội ngũ giáo viên, nhất là những người làm công tác chủ nhiệm là phải tư vấn đầy đủ và chính xác những quy định về công tác TS để tránh thiệt thòi cho HS.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Nguyễn Thị Lan Hương không giấu được nỗi lo trong việc chỉ đạo các đơn vị ở địa bàn mở rộng thực hiện công tác TS. Hầu hết trường mầm non khu vực này không có khái niệm TS, thế nên cùng một địa bàn mà trường thì quá đông, trường lại không tuyển được.

Tăng chất lượng, giảm khoảng cách

Đó được coi là giải pháp lâu dài và có tính bền vững nhằm giải quyết vướng mắc trong công tác TS, nhất là để hạn chế tình trạng học trái tuyến. Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: 5 năm qua, các trường trên địa bàn quận được đầu tư tới 40% kinh phí trong tổng mức đầu tư của toàn quận, những nơi khó khăn càng được đầu tư nhiều. Áp lực TS, vì thế không còn tập trung ở 1-2 trường như trước đây nữa. Hoàn Kiếm là đơn vị tiêu biểu, mạnh dạn luân chuyển cán bộ quản lý, nhất là đối với những trường còn khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Đại, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho rằng việc điều hòa chất lượng đội ngũ giữa các trường đóng vai trò quan trọng. Cách làm của Ba Đình là mỗi năm gây dựng "thương hiệu" cho những nhân tố mới, rồi dần nhân rộng trong toàn ngành thông qua việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, luân chuyển đội ngũ. Tỷ lệ hơn 50% số trường THCS trên địa bàn quận liên tục đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, cùng kết quả thực tế trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT đã dần giúp giảm áp lực trong mùa TS.

Hiện nay, việc phân tuyến TS vẫn đang là giải pháp được các quận, huyện, thị xã xác định là cần thiết để giải tỏa căng thẳng trong TS đầu cấp. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các quận, huyện, thị xã được giao quyền chủ động trong việc phân tuyến TS, xác định HS đúng tuyến, trái tuyến. Theo bà Dương Thị Thanh Huyền, việc phân tuyến càng chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng thì việc triển khai TS càng thuận lợi. Ở Hoàn Kiếm, việc phân tuyến không chỉ được phân chia tới từng tổ dân phố mà còn được tính toán tới từng số nhà.

Dù vậy, với Đống Đa - địa bàn từng có nhiều căng thẳng trong công tác TS, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết đã triển khai nhiều giải pháp song áp lực chưa giảm, vì dân số tăng quá nhanh trong khi số trường, lớp không phát triển kịp. Việc tìm đất xây trường đã được đặt ra, song những bức xúc về TS không thể chỉ riêng ngành giáo dục giải quyết được.

Để giảm tải áp lực TS, những người làm công tác TS các quận, huyện, thị xã còn phải góp sức giảm "căng thẳng" với lãnh đạo địa phương. Có như vậy thì mới bớt chuyện phường này không chịu nhận HS phường bên cạnh sang học theo quy định phân tuyến của quận; mới làm tốt công tác tư tưởng để các tổ chức chính trị, xã hội cùng vào cuộc ủng hộ, vận động người dân trên địa bàn cùng chấp hành quy định của ngành…

- Thời gian TS:

+ Mầm non: Từ ngày 1 đến 15-7-2011.

Sau khi đã nhận đủ số trẻ trong độ tuổi theo tuyến TS, nếu còn chỉ tiêu, các trường có thể nhận trẻ trái tuyến cho đủ chỉ tiêu được giao, chậm nhất đến ngày 15-8 phải hoàn thành công tác TS.

+ Lớp 1, lớp 6: Từ ngày 1 đến 15-7-2011.

Sau khi nhận đủ số HS theo tuyến TS, nếu còn chỉ tiêu thì các trường được phép tuyển HS trái tuyến cho đủ chỉ tiêu được giao, chậm nhất đến ngày 25-7-2011 phải hoàn thành công tác TS.

+ Lớp 10: Thời gian thi dự kiến vào ngày 22 và 23-6-2011.

Phương thức: Thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

(Nguồn: Sở GD-ĐT Hà Nội)

Thống Nhất