Quyết tâm tổ chức thắng lợi
Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 17/02/2011
Các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy; Đào Văn Bình, UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, đồng chủ trì hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng, toàn dân, là dịp tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND các cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong 6 tháng đầu năm.
Ngay sau khi Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có các văn bản chỉ đạo công tác bầu cử, Hà Nội đã nhanh chóng triển khai các hoạt động có liên quan. Từ cuối tháng 1, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử và Ủy ban Bầu cử; phân công, phân nhiệm cho các thành viên và thông qua kế hoạch triển khai công tác bầu cử. Theo kế hoạch, chậm nhất là ngày 19-2, các quận, huyện, thị xã phải tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử và ở khối xã, phường, thị trấn là ngày 21-2. Việc thành lập Ban bầu cử ĐBQH có thời hạn chậm nhất là ngày 23-3; 45 ngày trước ngày bầu cử (tức chậm nhất là ngày 7-4) phải thành lập Ban bầu cử ĐB HĐND TP ở các cấp.
Thời hạn nộp hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử ĐBQH chậm nhất là 17h ngày 18-3 (65 ngày trước ngày bầu cử). Còn với những người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử ĐB HĐND các cấp, thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ là 17h ngày 23-3 (60 ngày trước ngày bầu cử). Về việc lập và niêm yết danh sách cử tri, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội quy định, chậm nhất là ngày 17-4 phải niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và các khu vực công cộng để cử tri dễ kiểm tra, phát hiện sai sót.
Các đại biểu dự hội nghị đã được quán triệt việc thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn quan trọng của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND TP; kế hoạch của Ủy ban Bầu cử TƯ và TP về công tác tổ chức bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp. Nhất trí cao với các nội dung tại hội nghị, rút kinh nghiệm từ các đợt bầu cử trước, đại diện các quận, huyện đề nghị Ủy ban Bầu cử TP cần giao Sở Nội vụ làm đầu mối in ấn tài liệu và con dấu. Đồng thời, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết để việc triển khai đạt hiệu quả cao.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, hội nghị đã quán triệt sâu sắc ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của cuộc bầu cử với tinh thần chỉ đạo cốt lõi là thực hiện tốt phương châm "Dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân" trong tất cả các khâu của quá trình chuẩn bị, tiến hành và thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của công tác bầu cử. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong một lần bầu cử, chúng ta đồng thời tiến hành bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 5 năm, ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhằm bảo đảm yêu cầu sớm ổn định về mặt tổ chức, nhân sự một cách đồng bộ trong hệ thống chính trị, để có điều kiện tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ.
Hà Nội xác định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP trong 6 tháng đầu năm 2011. Vì vậy việc chỉ đạo công tác bầu cử cần gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, nhất là 5 nhiệm vụ chủ yếu, 2 khâu đột phá của thành phố, chăm lo đời sống của nhân dân, trước mắt là tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của các địa phương và của thành phố 6 tháng đầu năm và cả năm 2011. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, lập thành tích xuất sắc chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần làm tốt trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tin tưởng rằng, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, kết quả đã đạt được trong năm 2010, Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII trên địa bàn và bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2011-2016, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố vào cuộc sống.
* Chiều 16-2, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tới lãnh đạo, cán bộ MTTQ các quận, huyện và tổ chức thành viên. Thay mặt Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch MTTQ TP quán triệt đến đại biểu Thông tri số 13 của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam về công tác bầu cử; Nghị quyết liên tịch số 01 và số 02 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam về việc ban hành Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND; việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử. MTTQ TP Hà Nội cũng thông báo với đại biểu về việc phân công công tác theo dõi bầu cử ở các quận, huyện, phường, xã, thị trấn…
Số lượng đại biểu HĐND mỗi cấp từ 15 đến không quá 95 người Ngày 16-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Trong đó, định hướng số lượng đại biểu HĐND mỗi cấp là từ 15 đến tối đa không quá 95 người. Thủ tướng lưu ý, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi đơn vị hành chính để dự kiến và điều chỉnh cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND các cấp phù hợp ở mỗi địa phương theo định hướng: Đại biểu trẻ dưới 35 tuổi phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 15%; đại biểu là phụ nữ đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên; đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 10%; HĐND cấp huyện không quá 40 đại biểu; tổng số đại biểu HĐND cấp xã không quá 35 người. Nếu các huyện, quận có từ 30 đơn vị hành chính trực thuộc trở lên thì được bầu trên 40 đại biểu HĐND. Số lượng cụ thể sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Theo quyết định, Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND cùng cấp căn cứ dân số của từng đơn vị hành chính đến ngày 31-12-2010, ấn định số lượng đại biểu HĐND cấp mình theo quy định. Số lượng đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: Tỉnh miền xuôi và thành phố trực thuộc trung ương có từ 1 triệu người trở xuống được bầu 50 đại biểu. Nếu có trên 1 triệu người thì cứ thêm 50.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu; tỉnh miền núi có từ 500.000 người trở xuống được bầu 50 đại biểu, có trên 500.000 người thì cứ thêm 30.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu; Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác có trên 3 triệu người được bầu không quá 95 đại biểu HĐND. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, sẽ được tăng thêm 1 phó trưởng ban chuyên trách tại các ban của HĐND cấp tỉnh. |