Giá sữa tiếp tục tăng

Kinh tế - Ngày đăng : 16:13, 16/02/2011

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đã nhận được bản đăng ký tăng giá sữa của một số doanh nghiệp.


Sau Tết, hàng loạt mặt hàng rục rịch tăng giá. Sau điện, gas... người tiêu dùng lại đón nhận thông tin sẽ tăng giá sữa.

Tăng từ 5-10%


Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết: Hiện Cục quản lý giá đang rà soát các nội dung đăng ký của các doanh nghiệp. “Nếu các yếu tố đầu vào tăng, các chi phí của doanh nghiệp hợp lý thì sẽ phải chấp nhận mức giá đăng ký mới. Mức đăng ký giá tăng từ 5-10%” – ông Tuấn nói.


Tuy Bộ Tài chính chưa có ý kiến chính thức về việc tăng giá sữa của các doanh nghiệp nhưng người tiêu dùng đã phải mua sữa với mức giá mới. Từ đầu tháng 1/2011, nhiều mặt hàng sữa như: Friso, Hanco, Dutch Lady… đã đồng loạt tăng giá bán. Nếu trước đây, người tiêu dùng mua sữa Friso Gold 4 với giá 290.000 đồng/hộp 900g thì nay giá mua lẻ tăng lên 320.000 đồng/hộp.

Công ty TNHH Friesland Campina Vietnam đăng ký bán sữa theo giá mới từ tháng 3/2011. Tuy nhiên, giá bán sữa bột Friso của công ty này đã được một số đại lý lớn tại Hà Nội tăng thêm 10% từ ngày 15/2.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng bày tỏ lo ngại về việc chênh lệch giá giữa các nhà bán buôn và bán lẻ hiện đang có một khoảng cách lớn. Bởi, theo ông Tuấn: “Việc kiểm soát thị trường rất khó. Chúng tôi khuyến cáo lực lượng thị trường phải nắm thông tin các mặt hàng, trong đó có sữa, từ gốc”.

Hiện nay, giá thu mua sữa nguyên liệu trong nước đã tăng hơn trước. “Nếu các doanh nghiệp nhập khẩu tăng giá sữa với lý do nhập khẩu nguyên liệu tăng thì chúng tôi sẽ yêu cầu cung cấp các tờ khai hải quan để chứng minh” – ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính sẽ phối hợp trong việc quản lý các số liệu tổng hợp chung về số lượng, giá sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm nhập khẩu. Cụ thể, Tổng cục Hải quan sẽ phải cung cấp số lượng và giá của 4 loại nguyên liệu sữa gồm: bột gầy; nguyên kem (sữa bột toàn phần); bột béo; bột whey, bột sữa nước. Đặc biệt, phải chi tiết hóa số liệu về số lượng, giá sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm nhập khẩu đối với một số công ty và thương hiệu sữa bột ngoại nhập.

Sữa tăng giá do tỷ giá thay đổi?

Theo ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng truyền thông đối ngoại (Công ty TNHH Nestlé Việt Nam), hầu hết các sản phẩm sữa bán tại Việt Nam đều là thành phẩm nhập khẩu hoặc nhập nguyên liệu từ nước ngoài, vì vậy, việc tỷ giá tăng thêm 9,3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng nhập khẩu hoặc nhập nguyên liệu.

Ông Vũ Quốc Tuấn cho biết: “Chúng tôi đã gửi bản đăng ký mức giá mới của sản phẩm LACTOGEN đến Bộ Tài chính nhưng tại thời điểm này thì giá sản phẩm LACTOGEN chưa có gì thay đổi”.

Để khắc phục tình trạng chênh lệch giá giữa công ty và đại lý, đồng thời bảo vệ uy tín của nhãn hàng, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có việc gửi thông báo cho tất cả các cửa hàng đại lý về giá bán khuyến nghị dành cho người tiêu dùng. “Giá bán khuyến nghị dành cho người tiêu dùng được áp dụng thống nhất trên toàn quốc” – ông Vũ Quốc Tuấn cho biết.

Theo phân tích của ông Vũ Quốc Tuấn, giá của các sản phẩm nhập khẩu luôn nằm trong áp lực phải tăng giá do sự phá giá của đồng Việt Nam. Trong năm 2010, Chính phủ điều chỉnh tỷ giá đã ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm cả mặt hàng sữa.

Tuy nhiên, trong đợt tăng giá lần này theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì việc các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh sữa, lấy lý do là tỷ giá VND/USD thay đổi nên phải tăng giá bán hàng là điều khó chấp nhận. Bởi thực tế, “Trước khi tăng tỷ giá hối đoái thì các doanh nghiệp đã phải tiếp cận với mức tỷ giá như hiện nay đã điều chỉnh rồi. Chính vì vậy, nếu lý giải là điều chỉnh tỷ giá nên phải tăng giá là vô lý” – TS Vũ Đình Ánh nói./.

Vũ Hạnh