Sau hội, giống bảo tàng
Văn hóa - Ngày đăng : 07:51, 16/02/2011
Tái hiện những ngôi nhà sàn của các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Hoạt động "mùa vụ"
Sau hơn mười năm triển khai, đến tháng 9 năm 2010, Làng Văn hóa đã xây dựng xong 43/54 làng các dân tộc, cơ bản hoàn thành không gian văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Quá trình xây dựng các làng đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến trực tiếp của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc nên sau khi hoàn thành, khu làng các dân tộc đã trở thành trung tâm hoạt động, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch tầm cỡ quốc gia; là nơi tái hiện, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, đặc sắc nhất của 54 dân tộc anh em… Việc đưa Làng Văn hóa vào hoạt động góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Làng văn hóa là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn, nổi bật là Lễ công bố Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam vào tháng 4 năm 2009 và lễ "Mở cổng làng" vào tháng 9 năm 2010 mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội. Trong những ngày đó, Làng Văn hóa tấp nập, rộn ràng như một ngôi làng sống thực sự. Người lo sửa sang nhà cửa, người làm cầu thang, gác bếp, người làm "hướng dẫn viên" giới thiệu bản sắc của dân tộc mình. Ở khu vực làng đồng bào Giẻ Triêng và Xơ Đăng, có ngày thì phụ nữ giã gạo, cõng nước, nấu ăn; đàn ông đi thăm đơm cá, câu cá ở hồ Đồng Mô, thăm bẫy ở rừng; lại có những ngày thì đàn ông đan lát, dọn vườn, dọn rẫy, trồng cây, làm mộc, phụ nữ dệt vải, ủ rượu, làm vườn, nấu ăn… làm sống lại nếp sinh hoạt mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc. Các lễ hội cổ truyền như: Lễ mừng nhà rông mới; Lễ vào làng mới của dân tộc Giẻ Triêng và Lễ cúng bến nước của dân tộc Xơ Đăng cũng đã được tái hiện tại đây, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.
Đáng tiếc là sau khi các sự kiện đó kết thúc, Làng Văn hóa kém sôi nổi hẳn. "Khu làng các dân tộc trông giống một bảo tàng văn hóa hơn là ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam bởi nơi đây chỉ có vật dụng sinh hoạt được giới thiệu chứ không có đồng bào ăn ở, sinh hoạt" - anh Nguyễn Văn Nam, trú ở số nhà 172 đường Thành Thái, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh khi đến thăm Làng vào ngày không có hội nhận xét.
Cần một luồng gió mới
Biết vậy, nhưng để tạo không gian sống động ở Làng thật không đơn giản. Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Trưởng BQL Làng Văn hóa cho biết: Về lâu dài, Bộ sẽ đưa đồng bào các dân tộc về Làng sinh sống, quản lý và khai thác giá trị của Làng. Hiện có hai phương án được đưa ra, một là chọn sinh viên tốt nghiệp các trường dân tộc, văn hóa về sinh hoạt, ăn ở tại Làng, khi cần có thể làm hướng dẫn viên; hai là phối hợp với các địa phương đưa đồng bào các dân tộc về Làng sinh sống một thời gian rồi luân phiên tới nhóm khác. Cũng theo ông Hồ Anh Tuấn, cả hai phương án trên đều khó thực hiện. Với phương án thứ nhất thì rất khó tìm cho đủ sinh viên là người dân tộc, bởi không phải dân tộc ít người nào cũng có sinh viên theo học các trường văn hóa, nghệ thuật. Với phương án thứ hai, nếu đưa đồng bào đến ở luân phiên sẽ khiến đồng bào có cảm giác mình chỉ tạm ở đây, mà đã có tâm lý tạm bợ thì không thể cống hiến hết mình; còn nếu đưa đồng bào đến ở lâu dài thì không phải ai cũng muốn. Già làng Brôi Vết ở làng Đăk Răng, xã Đăk Rục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, lần nào được mời cũng rất háo hức "đưa quân" ra Làng Văn hóa. Thế nhưng, khi được hỏi có muốn ở lại Làng lâu dài không, già Brôi Vết không ngần ngại cho biết: "Già rất vui khi thấy cái nhà truyền thống của người Giẻ Triêng được dựng ở đây, rất giống cái nhà ở làng Đăk Răng mình. Nó cũng gần gũi thân thuộc như cái nhà quen thuộc ở làng mình vậy, nhưng bảo mình ở đây lâu dài thì mình không ở đâu, buồn lắm, không xa được cái làng mình đã sinh ra đâu. Mình còn có họ hàng, mồ mả tổ tiên nữa". Chung tâm trạng đó, anh Phan Thanh Bàng, Trưởng đoàn Gia Lai cho hay: Đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai ra Làng chỉ để phô diễn nét văn hóa của dân tộc mình trong vài ngày thôi, cứ ở quá 10 ngày là đồng bào lại đòi về.
Thiết nghĩ, để ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc hoạt động sống động và chân thực trong điều kiện hiện nay thì các cơ quan hữu quan cần sớm có cơ chế, chính sách thỏa đáng nhằm thu hút sinh viên là người dân tộc sau khi tốt nghiệp về Làng công tác và đồng bào các dân tộc cũng sẵn sàng ra sinh sống tại Làng thường xuyên, liên tục hơn.