Giải pháp phải trên cơ sở đồng thuận cao

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 16/02/2011

(HNM) - Hôm qua (15-2), Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học


Hà Nội đang nỗ lực bảo vệ cảnh quan, môi trường hồ Hoàn Kiếm và loài rùa quý ở đây. Ảnh: Linh Tâm - Vũ Long


Đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn đến việc "cụ rùa" bị thương như do rùa tai đỏ gặm, do móc câu chùm của người câu trộm cá, do ma sát với một số vật cản có trong hồ, do nhiễm trùng dẫn đến hoại tử. Chuyên gia bệnh học thủy sản, Thạc sỹ Kim Văn Vạn (Trưởng bộ môn Nuôi trồng thủy sản - ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng: "Rùa tai đỏ không phải là nguyên nhân dẫn đến việc "cụ rùa" bị thương, mà có thể là vì trong quá trình di chuyển đã va chạm vào các vật sắc nhọn có trong hồ hoặc do mắc lưỡi câu nên bị thương. Ngoài ra, có thể do rùa sống trong môi trường nước hồ bị ô nhiễm, có nhiều vi sinh vật gây bệnh".

Sau khi xem ảnh đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng về vết thương của rùa hồ Hoàn Kiếm, TS Phan Thị Vân (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) cho biết, các vết thương trên thân rùa có thể hình thành do tổn thương cơ học, sau đó bị nhiễm trùng và tạo thành các vết lở loét. Các vết trắng trên thân rùa có thể là tổn thương đã lâu, đóng vảy mà thành. Cũng không loại trừ sự có mặt của các loại nấm thủy my gây hại ở các vết thương trắng dọc lưng "cụ rùa", đặc biệt là trong điều kiện nhiệt độ nước xuống thấp như thời gian qua. Tác nhân gây ra các vết loét trên cơ thể rùa có thể không do ký sinh trùng và virus. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ và chỉ có kết luận khi được tiếp xúc với rùa, lấy mẫu và phân tích tác nhân.

TS Phan Thị Vân cho biết thêm, chúng ta chưa có hệ thống theo dõi cả ngày lẫn đêm, số lần rùa nổi thống kê được chủ yếu là do người dân phát hiện. Việc rùa mai mềm nổi đầu lên mặt nước là hiện tượng sinh lý bình thường, bởi rùa lấy ôxy bằng mũi thông qua những lần nổi lên, hoặc thông qua da khi lặn dưới nước. Hiện chưa có nghiên cứu sâu nào về tần suất nổi lên lấy khí cũng như mối quan hệ giữa số lần nổi và sức khỏe của rùa.

Một số chuyên gia cho rằng, việc chữa trị cho rùa hồ Hoàn Kiếm là cần thiết và gợi ý nên tìm cách đưa rùa lên khỏi mặt nước, sau đó dùng các giải pháp thú y can thiệp. Nhưng đa số chuyên gia khác băn khoăn vì nước ta chưa có kinh nghiệm xử lý vấn đề này. Việt Nam cũng chưa có một trung tâm cứu hộ cho rùa khổng lồ nước ngọt, nên việc cứu chữa một cá thể đặc hữu gắn liền với yếu tố tâm linh trong tâm thức người Việt như "cụ rùa" hồ Hoàn Kiếm cần phải được tính toán rất kỹ lưỡng về nhiều mặt.

Tìm tiếng nói đồng thuận

Thạc sỹ Đặng Gia Tùng (Phó giám đốc Vườn thú Hà Nội nói: "Để có thể sớm chữa thương cho rùa, cần mời thêm các chuyên gia đầu ngành thú y. Tuy nhiên, do rùa hồ Hoàn Kiếm là động vật lưỡng cư nên theo tập tính cần phải có chỗ phơi nắng, đề nghị sớm bỏ vật cản quanh chân Tháp Rùa để rùa có thể bò lên".

Ông Timothy McCormack (Chương trình Bảo tồn rùa châu Á - ATP) cho biết, việc đưa rùa ra khỏi hồ để chữa trị chỉ nên coi là giải pháp cuối. Những rủi ro nghiêm trọng có thể xảy ra nếu di chuyển rùa ra khỏi hồ mà không có đủ cơ sở vật chất và kỹ thuật chuyên môn. Hiện nay, ATP đang tiếp tục khảo sát ở miền Bắc Việt Nam nhằm tìm kiếm thêm cá thể thuộc loài rùa hồ Hoàn Kiếm. Nhóm chuyên gia về rùa mai mềm kích thước lớn và bác sỹ thú y với kinh nghiệm và kỹ năng ở Trung Quốc đã sẵn sàng đến Việt Nam nếu có yêu cầu.

Theo TS Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở KHCN Hà Nội, trong giới khoa học đã có nhiều cuộc tranh luận về giải pháp chữa trị cho rùa hồ Hoàn Kiếm, đa số đều thống nhất rằng, việc môi trường sinh thái hồ xuống cấp là một trong những nguyên nhân làm cho việc duy trì sự sống của rùa bị ảnh hưởng. Trước mắt, để bảo vệ hệ sinh thái của hồ, Sở KHCN cần gấp rút hoàn thiện hai loại thiết bị bắt rùa tai đỏ, gồm bắt rùa dưới mặt nước và bắt rùa khi lên bè phơi nắng. Thiết bị được thiết kế hiện đại, điều khiển từ xa, không gây vẩn đục, không ảnh hưởng đến "cụ rùa" và hệ động - thực vật thủy sinh tại hồ. Sở cũng đang chọn địa điểm để thử nghiệm thiết bị trước khi hoàn thiện và đem áp dụng tại hồ Hoàn Kiếm trong tháng 3-2011 - thời điểm khí hậu ấm lên, rùa tai đỏ thích phơi nắng.

TS Lê Xuân Rao cũng cho biết, sau khi khảo sát xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Sở KHCN đã đề xuất lãnh đạo thành phố sớm cho hạ thấp hai đường ống dẫn nước sạch và nước thải từ đền Ngọc Sơn xuống đáy hồ hoặc thay thế để không cản trở đường đi của rùa, đồng thời kiểm tra các vật cản có trong hồ. Ngoài ra, Sở đề nghị lãnh đạo thành phố cho kiểm tra, sửa chữa các bờ kè, bổ sung nước khi mực nước thấp hơn mức quy định, ngăn chặn người câu trộm cá ở đây.


Được biết lãnh đạo TP rất quan tâm đến việc bảo tồn, bảo vệ cá thể rùa hồ Hoàn Kiếm, lắng nghe và tranh thủ ý kiến các nhà khoa học trong và ngoài nước. Việc lãnh đạo TP chỉ đạo Sở KHCN tổ chức hội thảo về bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm đã thể hiện sự quan tâm đó. Mục tiêu của hội thảo là lắng nghe ý kiến nhiều chiều của các nhà chuyên môn nhằm tìm giải pháp có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn vẫn còn có ý kiến khác nhau, thậm trí trái ngược nhau. Thực tế, vấn đề “cụ rùa” hồ Hoàn Kiếm không chỉ là môi trường, mà còn là vấn đề văn hóa, tâm linh. Vì vậy, theo quan điểm của lãnh đạo TP Hà Nội, việc bảo vệ “cụ rùa” bằng phương pháp nào phải hết sức thận trọng trên cơ sở sự đồng thuận cao giữa các nhà chuyên môn về sinh vật, các nhà văn hóa và nhân dân, từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất, có tính khoa học, khả thi. Trước mắt, những việc cần làm ngay để bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm, lãnh đạo TP đã và đang chỉ đạo tiến hành thực hiện, còn những việc đòi hỏi có tính quy mô, lâu dài cũng đang được tiến hành từng bước.

Ông Timothy McCormack (Chương trình Bảo tồn rùa châu Á): Trên thế giới, cùng với cá thể được cho là duy nhất tại hồ Hoàn Kiếm, loài rùa này hiện chỉ còn 2 cá thể đang sinh sống tại Trung Quốc và 1 cá thể ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Từ năm 2008 đến nay, các chuyên gia đã tiến hành ghép đôi, nhân giống giữa 2 cá thể rùa ở Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

PGS-TS Hà Đình Đức (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam): Thành phố cần cho kiểm tra đáy hồ và thu dọn hết các chướng ngại có thể là một trong những nguyên nhân gây vết thương trên cổ "cụ rùa". Cần làm ngay hệ thống cống có cửa đóng mở, luân chuyển nước hồ trong mùa mưa để cải tạo chất lượng nước; tiếp tục cho nạo hút bùn để bảo đảm độ sâu trung bình khoảng 1,5m vào mùa khô…

TS, bác sỹ thú y cao cấp Nimal Fernando (Công viên Đại Dương - Hồng Kông): Kinh nghiệm chữa bệnh cho rùa, trong đó có chữa cho loài rùa tương tự rùa hồ Hoàn Kiếm tại Tô Châu (Trung Quốc) cho thấy việc chữa trị phải đi liền với cải tạo môi trường sinh sống của chúng.

Thế Dũng