Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng
Đời sống - Ngày đăng : 08:14, 15/02/2011
Ông Nguyễn Tuấn Anh (phường Trung Tự, quận Đống Đa): Không thể coi đó là một ngoại lệ
Những năm trở lại đây, cứ vào dịp Tết, Xuân về là tình trạng nhiều người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH), chở 3, 4 người chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu; bấm còi, rú ga liên tục khi tham gia giao thông có xu hướng tăng mạnh. Số liệu thống kê của Phòng CSGT Hà Nội trong dịp Tết Tân Mão vừa rồi, tính từ đêm 30 cho tới mồng 5 Tết, có hơn 1.000 trường hợp vi phạm luật giao thông đã bị xử lý, trong đó có tới 812 trường hợp không đội MBH. Tình trạng học sinh THPT sử dụng xe máy lưu thông trên đường, không đội MBH, chở người quá quy định cũng gia tăng mạnh trở lại. Việc vi phạm luật như thế này gây ảnh hưởng đến an toàn khi tham gia giao thông, làm gia tăng các vụ tai nạn. Không thể để việc vui Tết, đón Xuân là một ngoại lệ để họ tự cho mình cái "đặc quyền" vi phạm luật giao thông đường bộ, gây ảnh hưởng đến TTATGT.
Bà Phạm Thị Mỹ (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ): Cần tăng cường kiểm tra, xử lý
Luật Giao thông đường bộ quy định: Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Thế nhưng phải nói rằng, ý thức và tính tự giác của một số người khi tham gia giao thông không cao. Vắng bóng CSGT là nhiều người cứ vô tư vi phạm luật. Vì vậy, tôi cho rằng, cơ quan chức năng, mà ở đây là lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông, công an các quận, huyện cần tăng cường kiểm tra không chỉ trong dịp Tết, mà cả sau Tết Nguyên đán; cần xử phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm. Hy vọng rằng qua đó, người dân sẽ tự giác chấp hành, không để xảy ra tình trạng "nhờn" luật như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Năm (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm): Không dừng lại sau các đợt cao điểm ra quân xử phạt
Thời gian qua, đã có không ít các đợt ra quân, các đợt cao điểm tăng cường xử phạt các lỗi vi phạm giao thông. Nào là đợt cao điểm xử phạt không đội MBH; đợt cao điểm xử lý ô tô chở đất đá, cát sỏi rơi vãi xuống đường, gây ảnh hưởng tới môi trường; rồi cao điểm xử lý xe dù, bến cóc… Mới đây, Công an Hà Nội cũng vừa mở đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông sau Tết. Theo đó, công an của 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cùng ra quân phối hợp đồng bộ với lực lượng CSGT để việc xử phạt người vi phạm được hiệu quả cao. Trong các đợt cao điểm xử lý như vậy, tình trạng vi phạm có giảm. Thế nhưng, hậu các đợt cao điểm, các lỗi vi phạm giao thông lại tái diễn. Tôi cho rằng, không chỉ dừng lại ở các đợt cao điểm, việc xử phạt cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong cả năm. Phải có những biện pháp xử phạt và chế tài thật nặng, đủ răn đe những đối tượng vi phạm luật giao thông. Có như thế, ý thức chấp hành pháp luật của người dân mới được nâng cao.
Bà Nguyễn Thu Hằng (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng): Nhanh chóng đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng
Để không xảy ra tình trạng "nhờn" luật khi tham gia giao thông, đặc biệt trong dịp đón và sau Tết Nguyên đán, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cần đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng. Văn hóa giao thông đó là những hành vi đẹp, từ việc điều khiển phương tiện giao thông đến lời nói, hành vi, thái độ tôn trọng luật pháp như đội MBH, dừng, đỗ đúng nơi quy định… Để văn hóa giao thông đi vào cộng đồng, theo tôi, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật giao thông, cơ quan chức năng cần chỉ đạo và nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: lực lượng CSGT, nhà trường, gia đình và đoàn thể xã hội để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ đó hình thành văn hóa giao thông cho người dân. Nếu mỗi người khi tham gia giao thông đặt ý thức tự giác lên trên hết, thì mọi chuyện sẽ không trở nên phức tạp. Từ việc ý thức, mọi người sẽ dễ dàng hành xử có văn hóa với nhau khi tham gia giao thông như: không chen lấn, vượt ẩu, nhường nhịn người lớn tuổi, phụ nữ…