Quan hệ Campuchia - Thái Lan: Lắng dịu vùng biên
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 15/02/2011
Sự kiện LHQ đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai quốc gia ASEAN có đường biên giới chung được dư luận nhìn nhận là một "cơ hội hiếm có" để tìm lời giải cho bài toán tranh chấp chủ quyền biên giới tại khu vực ngôi đền cổ Preah Vihear hiện nay.
Người dân Campuchia trở về nhà sau khi căng thẳng biên giới lắng dịu. |
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Nam Hong và Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya vừa lên tiếng khẳng định sẵn sàng tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng của ASEAN, dự kiến diễn ra tại Jakarta (Indonesia) ngày 22-2 tới. Với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, đề xuất tiến hành cuộc họp cấp ngoại trưởng không chính thức của Indonesia do Ngoại trưởng Marty Natalegawa chủ trì, được kỳ vọng sẽ góp thêm tiếng nói nhằm hóa giải bất đồng về biên giới giữa Campuchia và Thái Lan thông qua đối thoại hòa bình. Nếu cuộc họp được tất cả các nước thành viên ASEAN chấp thuận, đây sẽ là lần thứ hai có sự can dự của bên thứ ba - điều mà Campuchia khẳng định là cần thiết cho vấn đề xung đột biên giới giữa hai nước láng giềng hiện nay.
Với những bước đi tích cực trên, tranh chấp chủ quyền biên giới ở khu vực ngôi đền cổ Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan có thêm cơ hội được hóa giải nhưng cũng không thể một sớm một chiều. Một mặt tuyên bố sẽ cử Ngoại trưởng Kasit Piromya tham dự hai cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ và ASEAN; sẵn sàng cung cấp thông tin xác thực cho các nước ASEAN; mặt khác Thái Lan kiên định lập trường rằng xung đột với Campuchia cần được giải quyết trong khuôn khổ song phương. Trong một phát biểu mới nhất trên truyền hình (ngày 13-2), Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nhắc lại quan điểm của Thái Lan là không cần sự trung gian bên ngoài giải quyết cuộc xung đột biên giới với Campuchia và rằng, ngôi đền cổ Preah Vihear đang tranh chấp đã được sử dụng vào mục đích khác...
Là ngôi đền cổ thờ thần Shiva của người theo đạo Hindu, nằm trên đỉnh núi cao 525m, Preah Vihear được xây dựng bằng đá từ khoảng thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XI và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2008. Trước đó, năm 1962, Tòa án quốc tế vì công lý của LHQ đã phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia nhưng không xác định chủ quyền vùng đất lân cận thuộc về nước nào. Vì thế, khu vực quanh đền rộng 4,6km2 đã trở thành "điểm nóng" xung đột biên giới từ đó đến nay. Việc mỗi nước sử dụng bản đồ riêng làm căn cứ cũng là nguyên nhân khiến việc phân định biên giới càng trở nên khó khăn.
Trái với bầu không khí đáng ngại khi nổ ra cuộc xung đột cách đây hơn một tuần khiến khoảng 3.200 hộ dân Campuchia, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em phải đi lánh nạn tại khu trại tạm cách khu vực đền Preah Vihear khoảng 90km, ghi nhận của báo giới 48 giờ qua cho thấy, người dân đã bắt đầu trở về nhà. Trong khi đó, hàng nghìn người dân Thái Lan phải sơ tán do xung đột ở khu vực biên giới cũng đang rời nơi lánh nạn. Dấu hiệu này cho thấy căng thẳng ở khu vực biên giới Campuchia - Thái Lan đang lắng dịu.
Là hai thành viên trong đại gia đình ASEAN, căng thẳng trong quan hệ Campuchia - Thái Lan về chủ quyền biên giới có thể ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả khối, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang tiến tới một cộng đồng phát triển vào năm 2015.
Vẫn biết đây là công việc nội bộ của hai nước nhưng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và ASEAN hiện là giải pháp tối ưu và cần thiết, giúp Campuchia và Thái Lan tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn thông qua đối thoại hòa bình.