Báo động chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em

Xã hội - Ngày đăng : 08:27, 14/02/2011

(HNM) - 20% trẻ em bị rối nhiễu tâm trí là con số do Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cùng Trường Đại học Melbourne (Australia) vừa công bố thông qua dự án

Học sinh luôn cần được quan tâm chăm sóc tốt để học tập và phát triển toàn diện.  Ảnh: Đăng Khoa


Căn bệnh không chừa ai
Ngọc Lan (14 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) học giỏi và sống trong một gia đình khá giả. Cách đây 3 tháng, cô bé bỗng dưng hay đau đầu, đau bụng nhưng đi khám không phát hiện bệnh gì. Lan hay cáu giận, ngày càng trở nên lầm lì, ít nói. Đi học thì chớ, cứ về đến nhà, Lan lên phòng đóng cửa im ỉm. Bố mẹ phải đưa Lan đi gặp chuyên gia tâm lý, kết quả là em bị rối nhiễu tâm trí do quá cô đơn.

Khác với Lan, Quang Minh (8 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) học kém và hay vi phạm kỷ luật. Ngồi trong lớp, cậu không để chân tay yên lúc nào, thường xuyên trêu chọc bạn bè, có khi còn gây gổ đánh nhau. Tư vấn bác sĩ cho thấy, em bị rối loạn tăng động.

TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Viện 103 cho biết, trẻ em có thể bị rối nhiễu tâm trí bất kể sống trong điều kiện khá giả hay nghèo, ở nông thôn hay thành thị. Trẻ có thể bị bệnh ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là khoảng 6-7 tuổi. Biểu hiện rối nhiễu tâm trí rất đa dạng, nhưng phổ biến là các rối loạn tăng động/khó chú ý, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh sợ xã hội và trầm cảm.

Rối loạn tăng động/khó chú ý biểu hiện bằng việc trẻ hoạt động liên tục, không thể ngồi yên dù chỉ vài phút. Vì thế, trẻ dễ gây ồn ào, mất trật tự trong lớp, ảnh hưởng đến bạn bè xung quanh. Do không thể tập trung chú ý vào một việc gì đó (bài học hay trò chơi), nên kết quả học tập của trẻ không tốt, hay bị thầy cô giáo than phiền là "cá biệt", học dốt và nghịch ngợm.

Rối loạn lo âu lan tỏa thể hiện bằng tình trạng lo âu thường xuyên, sợ hãi quá mức. Trẻ luôn run tay, mất khả năng thư giãn, khó tập trung chú ý, mất ngủ, dễ bị kích thích và mệt mỏi. Trẻ ám ảnh sợ xã hội thì sợ các hoạt động mà phải đối mặt với người khác: sợ ăn, nói, viết ở nơi công cộng, sợ bị các bạn tẩy chay, chế nhạo. Khi bắt buộc phải nói trước đám đông (trả lời miệng, phát biểu ý kiến), trẻ thường bị đỏ mặt, nói lắp bắp... vì thế kết quả học tập kém và thường phụ thuộc vào bố mẹ hoặc người khác. Với trẻ bị trầm cảm thì các hứng thú và sở thích thường mất hết, luôn căng thẳng, dễ nổi cáu. Trẻ thường than phiền mất ngủ, khó tập trung chú ý, chán nản bi quan, cho rằng mình kém cỏi so với bạn bè. Ngoài ra, trẻ thường có biểu hiện chán ăn, gầy sút và có thể có ý định tự sát.

Thiếu trầm trọng bác sĩ tâm thần nhi
Hiện nay, rối nhiễu tâm trí ở trẻ em chưa được chú ý nghiên cứu nhiều. Chỉ có một vài khảo sát và đều cho kết quả đáng lo ngại. Dự án theo dõi hơn 2.000 trẻ em (2001-2015) tại 5 tỉnh, thành của Việt Nam (Lào Cai, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Yên và Bến Tre) cho thấy, có từ 8% đến 22% trẻ em được phỏng vấn có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Dự án nghiên cứu quốc tế tại Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1996, đưa ra con số hiện nay có khoảng từ 10% đến 20% trẻ em Việt Nam bị rối nhiễu tâm trí. Trong khi đó, bệnh viện tâm thần hiện chủ yếu là dành cho người lớn. Bác sỹ tâm thần có trình độ cao còn rất thiếu, bác sỹ tâm thần nhi càng hiếm.

Theo TS Bùi Quang Huy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối nhiễu tâm trí, nhưng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng nhất. Còn các chấn thương tâm lý, học hành căng thẳng... chỉ tạo yếu tố thuận lợi cho bệnh mà thôi. Tuy nhiên, TS Huy cho rằng, sức ép học tập ngày càng nặng nề do chương trình học, chế độ thi cử, tâm lý chuộng bằng cấp và cả việc bố mẹ kỳ vọng quá mức vào con mình vô tình đã tạo ra áp lực quá lớn cho trẻ, khiến ngày càng có nhiều trẻ em bị rối nhiễu tâm trí.

Theo các chuyên gia tâm lý, phòng rối nhiễu tâm trí rất khó vì nguyên nhân cụ thể vẫn chưa rõ ràng. Cùng một môi trường sống, học tập như nhau nhưng có trẻ bị rối nhiễu tâm trí, đa số còn lại thì không. Các biện pháp phòng rối nhiễu tâm trí là không tạo cho trẻ áp lực học hành quá lớn; kết hợp tốt giữa học tập chính khóa với các hoạt động ngoại khóa như đi tham quan, tập thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và giáo viên để phát hiện kịp thời sự bất thường về tâm lý của trẻ, từ đó có các biện pháp nuôi dạy thích hợp. Cuối cùng là đi khám bác sỹ tâm thần kịp thời khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện không bình thường.

Lâm Vũ