Pakistan: Đổi thay để tồn tại
Thế giới - Ngày đăng : 07:59, 14/02/2011
Đời sống người dân Pakistan đang hết sức khó khăn sau trận lụt thế kỷ năm ngoái. |
So với con số 54 bộ trưởng từng lãnh đạo quốc gia Nam Á suốt 3 năm qua, nội các mới đã biến cam kết giảm bớt quy mô bộ máy nhà nước nhằm cải thiện kinh tế của Thủ tướng Yousuf Raza Gilani trước phe đối lập và cử tri thành hiện thực.
Với thành viên đông đảo, Chính phủ liên hiệp trước đây của ông Y.R.Gilani đã đạt danh hiệu "một trong những nội các lớn nhất thế giới". Điều này đã trở thành tâm điểm chỉ trích từ phe đối lập về một gánh nặng với ngân sách quốc gia vào thời điểm Pakistan đang phải chật vật để hồi sinh nền kinh tế bị suy sụp do khủng hoảng và hậu quả lũ lụt vào giữa năm ngoái. Do vậy, dù cuộc "thu hẹp" thành phần nội các của Thủ tướng Y.R.Gilani chưa hẳn sẽ ngay lập tức vực dậy nền kinh tế đang gặp khó của Pakistan, nhưng đây là bước đi cần thiết để trấn an dư luận. Cuộc đổi thay để tồn tại này không chỉ làm yên lòng phe đối lập mà còn được hy vọng giúp cải thiện uy tín Chính phủ Pakistan vào thời điểm hiện nay.
Chấp nhận điều hành một chính phủ mà số bộ trưởng chỉ gần bằng 1/3 trước kia, rõ ràng Thủ tướng Y.R.Gilani đang làm tất cả những gì có thể để cứu vãn chính quyền từng cận kề với nguy cơ tan vỡ. Cho đến thời điểm hiện tại, dưới sự chèo lái của ông Y.R.Gilani, Chính phủ Pakistan vượt qua bài sát hạch đầu tiên nhằm kéo nước này khỏi một cuộc khủng hoảng chính trị vốn luôn rình rập. Với nỗ lực cải tổ nội các như vừa diễn ra, đảng Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) đã rút lại quyết định không tham gia liên minh cầm quyền. Như vậy có nghĩa là, mối đe dọa sụp đổ nội các bởi mất đa số trong Quốc hội đã được đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của Thủ tướng Y.R.Gilani vãn hồi trong gang tấc.
Tuy nhiên, thành quả này chưa phải là một bảo đảm dài lâu cho sự ổn định tại quốc gia đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Nam Á. Để có thể duy trì chính phủ hiện tại, ông Y.R.Gilani cũng đã phải chấp nhận đánh đổi không ít. Nhiều ý kiến quan ngại về hiện thực khó khăn mà vị thủ tướng 59 tuổi phải đối diện khi đồng ý yêu cầu 10 điểm của đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz (PML-N) đảng đối lập lớn nhất để có thể duy trì chính phủ. Những điểm trọng yếu trong kế hoạch cải cách then chốt là Islamabad phải rút lại quyết định tăng giá xăng dầu, xây dựng một cơ chế thích hợp giảm thuế nhiên liệu, khí đốt, điện để giảm bớt gánh nặng cho người dân, chấm dứt tình trạng thiếu khí đốt và điện, ngăn chặn nạn tham nhũng và sa thải các nhân viên chính phủ cũng như các quan chức bị nghi ngờ dính líu tới tham nhũng. Nhưng oái oăm thay, chương trình cho vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang hỗ trợ lớn cho nền kinh tế của Pakistan lại mâu thuẫn với một số yêu sách của PML-N nếu được thực hiện toàn diện. Đó là đất nước 165 triệu dân này chỉ nhận được sự gia hạn khoản vay của chủ nợ IMF nếu như đáp ứng những đề xuất của họ như: mở rộng và tăng các biện pháp thu thuế, thu hồi các khoản trợ cấp, cắt giảm chi tiêu công… Trong bối cảnh sự phẫn nộ của dân chúng đang có chiều hướng gia tăng vì kinh tế khó khăn, tình thế của ông Y.R.Gilani hiện nay thật quá nan giải để vừa nhận được trợ giúp từ IMF vừa có được sự ủng hộ từ các đảng đối lập.
Bài học biến động xã hội còn nóng hổi tại Tunisia và Ai Cập xuất phát từ cuộc nổi dậy do đời sống khó khăn của người dân hẳn khiến Thủ tướng Y.R.Gilani phải cố tìm phương cách cải thiện bằng được tình hình kinh tế để giữ ổn định chính trị trong bối cảnh chính trường luôn tiềm ẩn những điều khôn lường. Điều này không chỉ là lợi ích của chính đất nước Pakistan mà còn là hy vọng của Mỹ và phương Tây. Một sự xáo trộn tại Pakistan nếu bùng nổ sẽ là một đổ vỡ không nhỏ trên trận tuyến trọng yếu trong cuộc chiến chống khủng bố của Washington giữa lúc nhiều quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông và Bắc Phi đang chứng kiến những đổi thay ngoài dự đoán.