Gây áp lực cho nền kinh tế?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 14/02/2011
Tỷ giá điều chỉnh tăng mạnh được đánh giá là cần thiết nhưng
gây áp lực lên nền kinh tế.
Sau hơn 6 tháng duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng, sáng 11-2, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá từ 18.932 VND/USD lên 20.693 VND/USD, đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch từ +3% xuống +1%. Ngay sau đó, cuối giờ chiều 11-2, NHNN đã công bố mức tỷ giá bình quân áp dụng là 20.713 VNĐ/USD, tức là tăng 20VNĐ so với ngày 11-2. Trước lần điều chỉnh tỷ giá này, giá USD được các ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết phổ biến ở mức 19.495 VND/USD (mua vào) - 19.500 VND/USD (bán ra), trong khi ở thị trường tự do, giá USD đã vượt qua 20.000 VND/USD từ rất lâu, thậm chí hơn 21.000 VND/USD. Mức "vênh" trong giá USD giữa 2 thị trường đã khiến chính các NHTM phải chịu một sức ép là nếu điều chỉnh tỷ giá theo thị trường tự do thì vi phạm quy định của NHNN, nhưng nếu không đẩy tỷ giá lên, các NHTM không thể "hút" được nguồn tiền bằng USD vì không có doanh nghiệp (DN), người dân nào chấp nhận bán USD cho NH để mất một khoản tiền "chênh" khá lớn. Chính vì vậy, nhiều NHTM đã phải "lách" bằng cách thỏa thuận với khách hàng một mức giá USD hợp lý hơn để có thể mua vào. Tình trạng giao dịch USD "hai giá" như vậy nghiễm nhiên tồn tại trong nhiều NHTM. Trong bối cảnh nhu cầu vay USD tăng cao như hiện nay, nếu các NHTM tiếp tục phải giao dịch USD "hai giá" sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi vậy, việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên NH lên 20.693 VND/USD để các NHTM có thể đưa giá USD lên mức kịch trần là 20.900 VND/USD được các NHTM hồ hởi đón nhận, vì NH có thể công khai giao dịch USD cho phù hợp với thị trường chứ không phải "chui" như trước.
Tại cuộc họp với các NHTM về tỷ giá ngoại hối mới đây ở Hà Nội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định, quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN là một trong những biện pháp nhằm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh tỷ giá nhằm phản ánh sát hơn cung cầu trên thị trường, bảo đảm tăng tính thanh khoản, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ. Đây là thời điểm thích hợp và thuận lợi để điều chỉnh tỷ giá, bởi trạng thái ngoại tệ của các NHTM dương rất lớn, nguồn ngoại hối khá dồi dào nên thị trường không bị "sốc".
Điểm khác biệt lớn nhất trong lần điều chỉnh này là NHNN đã đưa ra một cơ chế điều hành tỷ giá mới, với thông điệp có tính dài hạn hơn đối với thị trường. Việc điều hành linh hoạt tỷ giá sẽ theo hai chiều, có lên, xuống theo tín hiệu của thị trường, phù hợp với cung cầu, bám sát những diễn biến trên thị trường ngoại hối. NHNN cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng và các NHTM triển khai những biện pháp cần thiết để phát triển thị trường ngoại hối, trong đó cho phép áp dụng công cụ phòng ngừa rủi ro theo thông lệ quốc tế để các DN và NH tăng tính chủ động trong kinh doanh và phòng ngừa rủi ro hiệu quả hơn.
Đại diện các NHTM cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ giá lần này là thích hợp, đúng với kỳ vọng thị trường. Vì vậy, mặc dù lần điều chỉnh này tương đối cao so với các lần điều chỉnh trước đó, nhưng thị trường không hề bị "sốc". Đại diện các NHTM cũng đề xuất NHNN có các biện pháp khuyến khích áp dụng các công cụ phái sinh nhằm phát triển an toàn, lành mạnh thị trường ngoại hối.
Nền kinh tế có chịu tác động lớn?
Vẫn biết đây là một việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay để nhằm hạn chế nhập siêu, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, song vấn đề tỷ giá tăng cao cũng gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Phải nhìn nhận một thực tế, nước ta còn phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu, nên tỷ giá tăng sẽ khiến nhiều mặt hàng đội giá, tác động mạnh đến đời sống của người dân. Ngay sau khi tỷ giá được điều chỉnh, hàng loạt mặt hàng đã tăng giá như ô tô, mỹ phẩm, gas, vàng... đó là chưa kể đến những loại hàng hóa khác như thiết bị máy móc, xăng dầu, sắt thép... gây áp lực trực tiếp lên yêu cầu kiềm chế lạm phát trong năm 2011. Thêm vào đó, nhiều DN sẽ phải chịu "thiệt đơn, thiệt kép" vì những hợp đồng đã ký trước để nhập khẩu hàng hóa, thiết bị sẽ phải bù lỗ một khoản không nhỏ do sự chênh lệch tỷ giá. Nhiều DN đã phải thừa nhận mất hàng tỷ đồng, thậm chí nhiều tỷ đồng chỉ sau một đêm, bởi vậy, DN không còn cách nào khác ngoài việc sẽ phải tăng giá thành cho sản phẩm để bù lỗ chi phí.
Vậy, chính sách của NHNN trong thời gian tới như thế nào để thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả hơn, người dân, DN không còn lo ngại và bị "sốc" trước những quyết định của NHNN, tỷ giá liệu có được rút ngắn lại hay cứ tăng theo thị trường tự do? Theo nhiều chuyên gia về tài chính, NHNN sẽ phải tính toán tới việc vận dụng hiệu quả những công cụ tiền tệ khác như nâng mức dự trữ bắt buộc đối với USD, nâng lãi suất tín dụng huy động đối với USD để làm giảm nhu cầu tín dụng đối với USD. Hơn nữa, một việc làm rất cấp thiết là cần tăng niềm tin của DN, người dân đối với tiền VND để cắt bỏ tâm lý "nhao" lên mua USD hay vàng tích trữ, trong khi đó lại "từ chối" chính đồng tiền nước mình, gây áp lực lên thị trường ngoại hối. Để làm được những việc này vẫn cần những biện pháp cụ thể trong các chính sách chính tài khóa, chính sách điều hành tiền tệ như giảm bội chi ngân sách, cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả, tăng hiệu quả đầu tư Nhà nước... chứ không phải chỉ dừng ở việc kêu gọi suông.