Hà Nội: Nguồn vốn ODA phát huy hiệu quả

Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 14/02/2011

(HNM) - Những năm qua, nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản được ưu tiên hỗ trợ cho sự phát triển của TP Hà Nội, tập trung trong các lĩnh vực như hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường nước…


Hầm đường bộ Kim Liên, một trong những công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA.


Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, từ khi nối lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1992, hạ tầng giao thông và cải thiện môi trường nước là những lĩnh vực được Nhật Bản ưu tiên đầu tư cho Việt Nam, nhất là Hà Nội. Nhật Bản đã, đang hỗ trợ Hà Nội thực hiện nhiều dự án trọng điểm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông với 6 phương thức: nâng cấp cửa ngõ quốc tế; cải thiện các điểm nút cổ chai gây ách tắc giao thông; phát triển đường vành đai; phát triển hệ thống giao thông liên tỉnh; tăng cường an toàn giao thông; phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị (MPMU - đơn vị được TP giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư một loạt dự án sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản), điển hình trong số các dự án cải tạo hạ tầng giao thông, góp phần hiện đại hóa và giảm ách tắc cho Thủ đô phải kể đến cầu vượt Ngã Tư Sở, cầu vượt Ngã Tư Vọng, hầm đường bộ Kim Liên… Đây đều là những điểm nút từng một thời là nỗi kinh hoàng của ùn tắc giao thông. Với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Hà Nội đã tích cực triển khai và cho đến nay các công trình sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả cao. Điều đáng nói là từ cách làm khoa học, sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư với các đối tác Nhật Bản, các dự án sau khi triển khai đã tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư. Sau khi xin ý kiến và được sự chấp thuận của JICA và UBND TP Hà Nội, từ nguồn vốn dư này, chúng tôi đã đầu tư xây dựng 18 cầu vượt cho người đi bộ trên địa bàn. Hệ thống cầu vượt bộ hành có ý nghĩa quan trọng trong giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Cũng theo ông Tsuno Motonori, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho Việt Nam. Một số dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai, tạo sức bật mới cho giao thông đô thị Hà Nội, như Nhà ga hành khách T2 (sân bay quốc tế Nội Bài), cầu Nhật Tân, đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài…

Cùng với phát triển mạng lưới giao thông, cải thiện môi trường nước cho Hà Nội là một trong những lĩnh vực được JICA quan tâm. Vì vậy, ngay từ khi nối lại viện trợ ODA, JICA và các cơ quan chức năng của Hà Nội đã nghiên cứu thực hiện dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội với các hạng mục chính, như tu bổ sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; tu bổ hồ Giảng Võ, Thanh Nhàn, Thành Công, Thiền Quang; xây dựng Trạm bơm Yên Sở (công suất giai đoạn I 45m3/s); xây dựng trạm xử lý nước thải Trúc Bạch và Kim Liên. Giai đoạn I của dự án sau khi hoàn thành đã góp phần tích cực trong việc giảm úng ngập cho khu vực nội thành. Về dự án này, JICA và Hà Nội đã thống nhất tổ chức một nhóm đánh giá trong đó có chuyên gia Nhật Bản. Qua kiểm tra, khảo sát, nhóm đánh giá cho rằng dự án đã đạt được các tiêu chí: tính phù hợp, hiệu quả, tính bền vững; vừa phù hợp với kế hoạch phát triển của Việt Nam, vừa phù hợp với chính sách hỗ trợ phát triển của JICA và phù hợp với yêu cầu của nhân dân Hà Nội… Sau khi kết thúc giai đoạn I, JICA và Hà Nội lại khẩn trương triển khai giai đoạn II của dự án. Trạm bơm Yên Sở giai đoạn II đã hoàn thành, nâng công suất lên 90m3/ngày-đêm. Hàng loạt hồ lớn, kênh dẫn nước nối với các sông chính đã được cải tạo, góp phần điều hòa và chống úng ngập cho Thủ đô.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, các dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển bền vững.

Tuấn Lương