Khó khăn vì thói quen canh tác
Công nghệ - Ngày đăng : 07:17, 14/02/2011
Năng suất tăng từ 10 đến 12%
Việc áp dụng mô hình SRI vẫn gặp khó khăn do thói quen canh tác của bà con nông dân.
Ông Đỗ Danh Kiếm (Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội) cho biết, hiện nay, sản xuất nông nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, rét đậm, rét hại, khô hạn đã làm giảm năng suất lúa. Chi phí sản xuất cao, lợi nhuận không cao là nguyên nhân khiến nhiều hộ không còn mặn mà với đồng ruộng. Nhưng trên thực tế, nếu áp dụng tiến bộ kỹ thuật như phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI thì không những giảm được chi phí sản xuất mà còn cho lãi khá. Phương pháp canh tác lúa cải tiến - SRI đã mang lại hiệu quả nên trong năm 2010, chi cục đã phối hợp với các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng 7 mô hình sản xuất lúa theo SRI, với diện tích 270ha. Các mô hình đều không sử dụng hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất ít so với bên ngoài nên sản phẩm an toàn, hiệu quả kinh tế cao, năng suất tăng từ 10-12% so với cấy lúa thường, lợi nhuận tăng trung bình 4,7 triệu đồng/ha.
Chị Nguyễn Minh Toàn, xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức cho biết, tuân thủ theo đúng các nguyên tắc SRI sẽ tiết kiệm được chi phí, trước tiên là giống. Nếu trước đây, 1 sào cần 1,5kg thóc giống thì bây giờ chỉ cần 4 lạng là đủ; công cấy cũng giảm, cấy 1 sào giờ chỉ cần 1 buổi là xong, trước đây mất cả ngày. Áp dụng SRI thì chỉ cần bơm 2 lần cho cả vụ, không như trước đây cứ lúc nào ruộng khô là phải bơm (ít nhất phải mất 4 lần/vụ); phân bón cũng giảm đáng kể, đặc biệt là phân đạm, trước đây mất tới 8 kg/sào, bây giờ chỉ cần 5 kg/sào. Bên cạnh việc giảm về giống, nước, công lao động và phân bón, làm SRI còn tiết kiệm được cả tiền và công phun thuốc trừ sâu, vì khi làm SRI, cấy thưa, ruộng thoáng, ít sâu bệnh nên nông dân không phải phun thuốc trừ sâu, đây là điều rất tốt, không ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe người dân. Bà Nguyễn Thị Hòa ở xã Đồng Phú, Chương Mỹ cho biết, gia đình chỉ có 3 sào ruộng nhưng trước đây năm nào cũng mất rất nhiều thời gian gieo cấy, nay chỉ cần 1 ngày là xong. Cấy lúa và bón phân theo cách thông thường, năng suất cao nhất chỉ đạt 2 tạ/sào, nhờ áp dụng SRI, hiện năng suất đạt 2,1-2,5 tạ/sào.
Thay đổi thói quen
Ông Đỗ Danh Kiếm cho rằng, dù hiệu quả mô hình đã rõ nhưng để áp dụng ra diện rộng không phải là điều đơn giản, vì thói quen canh tác của người dân không thể thay đổi một sớm một chiều. Do đó, người nông dân phải được tập huấn khoa học kỹ thuật, được nhà khoa học hướng dẫn tại đồng thì sẽ nắm bắt nhanh hơn, hiệu quả hơn là hô hào chung chung. Mặt khác, việc áp dụng hệ thống thâm canh SRI đòi hỏi điều tiết nước hợp lý, chân ruộng không được quá trũng và việc áp dụng phải linh hoạt, tùy điều kiện mỗi địa phương. Nếu như chân ruộng quá trũng mà áp dụng biện pháp sạ hàng hoặc SRI thì khó có thể cho hiệu quả như mong muốn. Kết quả thực tiễn cho thấy, ở đâu nông dân được đào tạo thì ở đó việc ứng dụng khoa học kỹ thuật dễ dàng và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để áp dụng phương pháp này trên diện rộng thì thành phố cần có những chính sách khuyến khích thỏa đáng, tăng dần mức hỗ trợ đầu tư cho nông dân. Vì vậy, trong năm 2011, với nguồn vốn hỗ trợ 3,2 tỷ đồng của thành phố, chi cục sẽ triển khai 35 mô hình ứng dụng phương pháp này, mỗi mô hình 50ha.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho rằng, Chương Mỹ áp dụng mô hình này khá nhiều, canh tác theo phương pháp SRI rất đơn giản, dễ áp dụng và cho hiệu quả cao. Nhưng để nông dân tin tưởng, các ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo thực hiện đến từng địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân thấy rõ lợi ích...