Vô cảm, căn bệnh từ gia đình?

Giáo dục - Ngày đăng : 07:03, 14/02/2011

(HNM) - Theo các nhà khoa học, chỉ số cảm xúc - EQ - có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của con người. Người có chỉ số EQ cao sẽ có khả năng giao tiếp tốt, hòa đồng với bạn bè, thích ứng nhanh với cuộc sống.


Cha mẹ cần biết lắng nghe và thấu hiểu suy nghĩ của trẻ. Ảnh: Quỳnh Hoa


Bố đi công tác xa, mẹ bị cảm đột ngột. Đi học về, thấy bếp núc nguội tanh, Lan Hương, sinh viên năm thứ hai của một trường đại học, chỉ buông một câu "Mẹ ốm à?" rồi lên thẳng phòng, không hỏi xem tại sao mẹ ốm, đã uống thuốc chưa, hay mẹ ăn gì để nấu.

Khi sự cố 2 container pháo hoa chuẩn bị cho Đại Lễ 1000 năm Thăng Long phát nổ tại Mỹ Đình trưa ngày 6-10-2010, khiến 4 người chết, người dân Hà Nội rất lo lắng. Trên các diễn đàn đầy ắp những lời chia sẻ, cảm thông. Nhưng trên mạng facebook, một chủ nhân tung lên bức ảnh mình đang hớn hở cười đùa trên nền đám khói đen khổng lồ. Thái độ thờ ơ, vô cảm, thậm chí vui trên nỗi đau của người khác xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội.

Bác sĩ Phạm Thịnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc cho rằng sự vô cảm xuất phát từ gia đình. Đa số những người vô cảm từ nhỏ đã không được nuôi dưỡng đời sống cảm xúc. Họ thiếu sự quan tâm cần thiết của gia đình do cha mẹ ly dị hoặc bận công việc, đi làm ăn xa, phải sống cùng ông bà, họ hàng hoặc người giúp việc. Vô cảm cũng xảy ra khi trẻ sống trong gia đình quá nghèo hoặc quá giàu.

Một chuyên gia tâm lý ở Viện Khoa học - xã hội Việt Nam thì cho rằng, sự vô cảm có nguồn gốc từ những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Tính ích kỷ, tiền tệ hóa mọi giá trị, biến tất cả thành hàng hóa, thực hiện mọi quan hệ xã hội theo nguyên tắc ngang giá của thị trường đã khiến một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng trở thành người vô cảm. Một nguyên nhân khác được chỉ ra là trong quá trình hội nhập và mở cửa, bên cạnh những lợi ích và cơ hội phát triển, một bộ phận "thiệt thòi" trong xã hội là nông dân và những người nghèo đô thị phải chịu những tác động tiêu cực. Chênh lệch về thu nhập ngày càng lớn, bất bình đẳng xã hội cũng theo đó mà gia tăng. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc nhận định, người nghèo ở Việt Nam hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế chỉ bằng 76,6% so với mức bình quân của xã hội, trong khi người giàu hưởng lợi tới 115%. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ thông tin làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy của con người. Việt Nam hiện có khoảng 20,7 triệu người sử dụng internet. Với cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang tiếp nhận các mạng xã hội như những cộng đồng và diễn đàn mới. Giới trẻ tự do thể hiện mình từ những cảm xúc, cả tích cực lẫn tiêu cực, trong thế giới ảo. Tự giam mình trong thế giới này, một bộ phận thanh thiếu niên sẽ có lối sống không lành mạnh và trở nên vô cảm.

Ở khía cạnh tâm lý, nỗi lo âu bị xâm phạm cá nhân (lợi ích, thân thể, nhân cách) cũng khiến con người buộc phải học cách sống vô cảm. Khi cả xã hội phải lao mình vào vòng xoáy cơm áo, gạo tiền, hướng tới lợi ích cá nhân, con người dễ rơi vào trạng thái thờ ơ với tất cả. Người ta sợ phiền toái, sợ phải đối mặt với những tình huống có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Ám ảnh bởi lợi ích cá nhân có thể bị ảnh hưởng nếu can thiệp vào những việc không mang lại lợi ích cho mình sẽ làm người ta né tránh tất cả những gì không liên quan.

Vai trò của giáo dục

Theo các chuyên gia tâm lý, một xã hội công bằng, kỷ cương, khuyến khích việc thiện là điều kiện đầu tiên giúp nuôi dưỡng đời sống cảm xúc cho các cư dân trẻ. Mặt khác, để thanh thiếu niên có một đời sống cảm xúc dồi dào, cần có một chương trình giáo dục các kỹ năng sống dài hơi, chú trọng kỹ năng bộc lộ tình cảm. Căn bệnh vô cảm là sản phẩm của một nền giáo dục yếu kém. Nền giáo dục nước ta những năm qua không chú trọng lắm đến việc giáo dục hình thành nhân cách mà chỉ chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Điều này thể hiện qua chương trình học. Các môn quan trọng góp phần hình thành nên nhân cách con người đã trở thành những môn phụ có số lượng tiết học ít và nội dung thì quá nặng nề. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào nhà trường thì việc giáo dục xúc cảm cho các thế hệ tương lai sẽ không thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Các gia đình phải "nhập cuộc" tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con ngay từ nhỏ. Cha mẹ có thể hình thành cho trẻ thói quen biết quan tâm, chia sẻ với những người trong gia đình, bạn bè ngay từ khi còn nhỏ. Không chỉ dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người để từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu Á Đông: chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với trẻ là việc mà cha mẹ là những người đầu tiên phải làm.

Lâm Vũ