Giảm chi phí, tăng hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 14/02/2011
Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Bá Hoạt
Ông Lê Văn Tán, Chủ nhiệm HTX NN Đa Tốn phấn khởi, từ lâu Đa Tốn là xã trọng điểm sản xuất lúa của huyện Gia Lâm. Với việc đưa CGH hiệu quả như hiện nay, việc sản xuất vài trăm hécta lúa/vụ đối với nông dân hết sức đơn giản, mùa vụ được chủ động, các khâu dịch vụ kịp thời, lúa chín đều, thu hoạch đồng bộ nông dân rất phấn khởi. Ông Tán nhẩm tính, nếu cấy tay tốn công từ 150-200.000 đồng/sào nhưng dùng máy gieo sạ chỉ mất 40.000 đồng/sào. Hầu hết các khâu dịch vụ từ ngâm ủ giống, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ… HTX chịu trách nhiệm trước dân. Vụ xuân này, được hỗ trợ của ngành nông nghiệp, các khâu sản xuất lúa của xã đã được cơ giới tới 80%, chi phí sản xuất giảm được từ 5 đến 5,5 triệu đồng/hécta, trong khi năng suất lúa tăng 15-20%.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, một trong những nguyên nhân cản trở quá trình CGH chính là vấn đề tích tụ đất đai. Với những ô ruộng bé như "bàn tay ếch" thì không một máy móc nào hoạt động hiệu quả. Dồn điền đổi thửa là khó khăn chung của cả khu vực miền Bắc, nhưng với Hà Nội thì khó khăn hơn nhiều vì quỹ đất luôn bị biến động bởi nhu cầu phát triển khu công nghiệp, khu đô thị. Điều này dẫn đến hệ lụy, người dân không muốn thực hiện dồn điền đổi thửa vì chờ… đền bù. Hiện ở Hà Nội, bình quân mỗi người chưa đến 300m2 đất ruộng. Như vậy thì không một loại máy móc nào hoạt động được. Bài toán đặt ra là làm thế nào để bỏ bờ thửa, giữ nguyên bờ vùng đưa máy vào hoạt động mà các hộ không ảnh hưởng gì?
Có hai giải pháp. Thứ nhất, để dân tự đo đất ruộng của mình và ký kết, thỏa thuận với nhau. Thứ hai, khả năng thâm canh, điều kiện kinh tế các hộ khác nhau nên năng suất lúa không đồng đều, vì vậy không thuyết phục họ phá bờ thửa ngăn cách. Ranh giới có thể được phân định bằng các cọc tiêu trước khi phá bỏ các bờ thửa. Đây là một giải pháp mới nhưng rất khả thi, nếu áp dụng, sau khi đã có những thửa ruộng, cánh đồng đủ lớn để máy móc vào thì cũng đồng thời phải tổ chức triển khai các khâu dịch vụ kỹ thuật gồm làm đất, gieo sạ, tưới tiêu, vật tư (phân bón, giống, phòng trừ sâu bệnh) và thu hoạch. Những hoạt động này sẽ được thực hiện thông qua hình thức HTX cổ phần dịch vụ kỹ thuật. Mô hình HTX dịch vụ kiểu mới sẽ hoạt động dưới dạng công ích phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa phương. Mỗi xã viên tham gia sẽ phải đóng cổ phần theo quy định để gắn trách nhiệm với sự thành bại của HTX. Năm 2011, sẽ triển khai thí điểm mô hình CGH đồng bộ và liên kết, dịch vụ trong sản xuất lúa tại 4 điểm thuộc 4 huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Chương Mỹ.
Cơ sở để nhân rộng
Giám đốc Trung tâm Phát triển cơ điện (Viện Cơ điện Công nghệ sau thu hoạch) khẳng định nông dân Hà Nội đang tiếp cận rất nhanh với CGH trong nông nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng. Việc đưa máy sạ hàng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng để phổ biến ứng dụng vào đồng ruộng tại phía Bắc, xu hướng sạ theo hàng đang phát triển.
Chủ trương đẩy nhanh CGH trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi, phối hợp với các công ty cơ khí bán máy trả góp cho nông dân lãi suất 0% đã tạo cho nhiều nông dân có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Dịch vụ CGH sản xuất nông nghiệp là một hướng phát triển đúng đắn trong việc đẩy mạnh CGH sản xuất nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp của thành phố phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, số lượng các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội vẫn còn ít, việc CGH chủ yếu tập trung ở khâu làm đất, gặt, thổi lúa; còn khâu sạ giống và phơi sấy lúa chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, vì thế có lúc chưa đáp ứng kịp nhu cầu mùa vụ cho nông dân. Để đẩy nhanh tốc độ CGH, cần hơn nữa sự đầu tư từ phía nhà nước và bản thân họ cũng cần nhạy bén để quyết định đầu tư hiệu quả cao.
Tiến sỹ Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, vấn đề đưa CGH đồng bộ cho thấy khả năng vận hành thay thế tốt cho dàn kéo tay, giảm sức lao động cho nông dân, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả. Tuy nhiên, áp dụng vào đồng ruộng phía Bắc phải tính toán kỹ. Từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp Thủ đô trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, việc hoàn chỉnh quy trình CGH sản xuất ngành trồng trọt, nhân rộng mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất phù hợp với thực tiễn nguồn lao động nông nghiệp ngày một thiếu là vấn đề cấp bách và cần thiết.