Kiểm tra doping tại giải thể thao trong nước: Trả lại giá trị thật
Thể thao - Ngày đăng : 07:19, 13/02/2011
Không bao giờ là muộn
Phòng thí nghiệm kiểm soát doping là một trong những biện pháp nhằm hạn chế doping trong thể thao.
Trong khuôn khổ ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI, đã có không ít lời xầm xì về việc sử dụng doping (dù cố ý hay vô tình) của lực sĩ Ngô Thị Hạnh (Hà Tĩnh) sau khi cô bất ngờ vượt qua đàn chị Dương Thị Ngọc (Hà Nội) để giành trọn 3 HCV. Trước đó, dù Dương Thị Ngọc nghỉ thi đấu khá lâu song khả năng giành ít nhất 2 HCV của Ngọc là không phải bàn cãi. Nhưng cuối cùng Ngọc chỉ giành được 1 HCB cử đẩy (126kg) và mất trắng huy chương ở nội dung cử giật (mức tạ 95kg) vì bị Tổng trọng tài cho là đã phạm quy ở lần nâng cuối (ném tạ ra ngoài sàn đấu khi hạ tạ dù sau này băng hình xác định rõ là Ngọc không phạm quy). Những lời xầm xì kia là có căn cứ khi mẫu thử của Ngô Thị Hạnh phản ứng dương tính với chất Methandienone - thuộc danh mục cấm của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới.
Không phải đến bây giờ mới có những lời bóng gió về việc VĐV sử dụng doping tại các giải vô địch quốc gia. Thể thao Việt Nam hội nhập với thể thao thế giới cũng là lúc những cái hay, cái dở cùng du nhập và khái niệm "doping" được biết đến rộng rãi trong làng thể thao Việt Nam. Tuy vậy, các VĐV Việt Nam bị phát hiện doping đều là ở các giải quốc tế, còn tại các giải trong nước thì họ rất "sạch", đơn giản là bởi giải trong nước không tổ chức xét nghiệm chất kích thích. Những HLV, VĐV láu cá, thích gian lận chắc chắn đã không ngại ngần cố tình sử dụng doping để "đẻ" ra thành tích ảo.
Trước ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI nhiều năm, đã có không ít đề nghị phải xét nghiệm doping tại các giải quốc gia, dù là ít mẫu thử, nhằm trả lại cho thể thao giá trị thật, giúp cho khâu tuyển chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia chính xác hơn. Chẳng biết vì lý do gì mà đề nghị hết sức chính đáng này không được hiện thực hóa. Cũng có thể là do vấn đề kinh phí bởi chi phí rẻ nhất cho một mẫu thử là 300 USD (xét nghiệm tại Bắc Kinh, Trung Quốc), đắt hơn là 500 USD/mẫu thử (tại Thái Lan); cũng có thể bởi ngại đụng chạm… Phải đến tận ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI, việc thử doping mới được thực hiện và nỗ lực phòng, chống doping của BTC đã không vô ích. Tỷ lệ 1/30 mẫu thử dương tính với doping là không nhỏ chút nào nếu so sánh với kết quả thử doping tại Olympic Bắc Kinh 2008 (trong hơn 5.000 mẫu thử chỉ có 6 mẫu dương tính). Lãnh đạo ngành thể thao đã khẳng định, sau ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI, việc này chắc chắn sẽ được tiến hành thường xuyên hơn ở các giải đấu quốc gia. Đấy là điều đương nhiên phải làm, dù hơi muộn.
Khát vọng “labo”
Dân trong nghề y học thể thao thường gọi tắt Trung tâm Kiểm tra - xét nghiệm doping là "labo". Vài năm gần đây, ngành thể thao đã ý thức được tác hại từ việc sử dụng doping nên đã rục rịch xây dựng một "labo" với kinh phí được xác định hơn 70 tỷ đồng, để không chỉ làm xét nghiệm các mẫu thử trong nước mà còn của cả quốc tế. Nhưng, cũng như sự "dè dặt" trong phòng, chống doping tại các giải quốc gia, sự đầu tư vào việc xây dựng "labo" hết sức nhỏ giọt. Cứ như mức độ hiện nay thì phải đến cả chục năm nữa thể thao Việt Nam mới có một trung tâm kiểm tra - xét nghiệm doping. Một trong những lý do khiến BTC ĐH TDTT toàn quốc chỉ dám thử 30 mẫu là bởi chi phí lớn. Chi phí xét nghiệm doping tại Việt Nam sẽ rẻ hơn, khoảng 100 USD/mẫu thử và nếu sớm ra đời, các hành vi gian lận trong làng thể thao Việt Nam sẽ được hạn chế rất nhiều. Những giá trị thật của thể thao sẽ sớm được đặt đúng chỗ, đúng người.
Với việc bị phát hiện dương tính với chất kích thích, ngoài việc sẽ bị cấm thi đấu, lực sĩ Ngô Thị Hạnh còn bị tước huy chương tại ĐH TDTT toàn quốc. Theo đó, HCV nội dung cử đẩy sẽ được trao cho Dương Thị Ngọc (Hà Nội) trong khi HCV cử giật, tổng cử thuộc về Phạm Thị Trang (Hải Phòng) - lực sĩ có trình độ thấp nhất ở nội dung 75kg nữ.