Bắt đầu từ “xây móng”

Giáo dục - Ngày đăng : 06:55, 13/02/2011

(HNM) - Tìm hiểu nguyên nhân một bộ phận thanh niên lệch lạc về thẩm mỹ và trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ; đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cho giới trẻ là hai vấn đề được thảo luận sôi nổi tại buổi giao lưu, tọa đàm giữa các văn nghệ sĩ do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.


Sự mới lạ có thể dẫn đến lệch lạc


Cần đưa kiến thức nghệ thuật vào giảng dạy từ bậc tiểu học để hình thành thế giới quan phong phú cho trẻ ngay từ nhỏ. Ảnh: Trung Kiên


Nhiều gương mặt quen thuộc với các bạn trẻ như các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Văn Dung, Hoàng Lân, Trương Quý Hải, Lê Minh Sơn; NSND Phạm Thị Thành; GS Sử học Lê Văn Lan; TS Văn học Đoàn Hương, nhà thơ Bằng Việt, nhà báo Tạ Bích Loan… đã tham gia buổi gặp mặt. Cùng với việc phân tích, nhận định về thị hiếu, "gu" thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay; các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu còn đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa, nghệ thuật cho giới trẻ từ phía các văn nghệ sĩ và nguyên nhân của việc một bộ phận giới trẻ lệch lạc về thẩm mỹ, trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ.

Các nghệ sĩ đều có chung nhận định, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, không còn khó khăn để tìm kiếm thông tin, thưởng thức nghệ thuật như trước, mà chỉ bằng một thao tác đơn giản trên máy tính là cả thế giới giải trí hiện ra trước mắt các bạn trẻ. Tuổi trẻ vốn ưa khám phá, thích sự mới lạ nhưng nếu không được định hướng thì đằng sau sự đơn giản, tiện lợi ấy có thể dẫn đến hậu quả thật khó lường như một số vụ các bạn trẻ quen nhau trên mạng, dẫn đến những vụ án đau lòng như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thậm chí là giết người, cướp của…

Theo nhà thơ Bằng Việt, văn hóa đọc ngày nay đang bị xuống cấp. Nếu không ý thức được việc trau dồi kiến thức bằng văn hóa đọc, thì sẽ có một lớp trẻ "què quặt" trong tâm hồn. Các văn nghệ sĩ cần thể hiện trách nhiệm, tìm hiểu đời sống tinh thần của thanh niên xem nhu cầu của họ, có phải họ đang quay lưng lại với sách vở hay không? Giải thích lý do tại sao "gu" thẩm mỹ nghệ thuật của các bạn trẻ bị lệch lạc, TS Văn học Đoàn Hương thẳng thắn nhận xét: Văn học, nghệ thuật nói chung hiện nay nhàn nhạt, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Khi viết, người viết cần phải đặt câu hỏi trong đầu: Viết cho ai? Đối tượng nào? Thanh niên cần những gì?...

Trong lĩnh vực nghệ thuật, các nhạc sĩ chân chính không khỏi chạnh lòng khi nhiều bài hát không phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca từ và giai điệu, tiết tấu, mà chỉ thấy sự thiếu tinh tế, thiếu thẩm mỹ nghệ thuật; ca từ chỉ là những câu chữ ngô nghê, thậm chí phản cảm nhưng lại được giới trẻ thích nghe và truyền nhau nghe một cách say mê, dẫn đến sự lệch lạc về thẩm mỹ cho cả một thế hệ thanh niên. "Thực tế, không ít bạn trẻ hiện nay tỏ ra thích thú với những tác phẩm có những ca từ không ý nghĩa như "tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc", "ông xã em number one"… Tôi thực sự ngạc nhiên khi sinh viên đưa cho xem danh sách các bài hát yêu thích thì đa số là tác phẩm nhạc của nước ngoài" - TS Văn học Đoàn Hương bày tỏ.

Chú trọng định hướng cho giới trẻ

Nhiều đại biểu khẳng định việc định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ hiện nay là cần thiết. Nhà văn Thụy Anh, nhạc sĩ Trần Lập, họa sĩ Văn Chuyên, nhà báo Tạ Bích Loan thống nhất rằng, nền tảng để tạo nên nhận thức và tư duy thẩm mỹ cho thanh niên là giáo dục nhà trường. Đó là quá trình tạo bộ lọc. Vì thế, nếu thanh niên nào được đào tạo bài bản sẽ chọn lựa tác phẩm nghệ thuật có giá trị để thưởng thức. Cần đưa kiến thức nghệ thuật vào giảng dạy từ bậc tiểu học để hình thành thế giới quan phong phú. Cùng với đó là giáo dục cho người trẻ ý thức về câu chuyện bản quyền, tác quyền. Để có thể làm hài lòng công chúng, đặc biệt là giới trẻ, ta nên phân loại từng nhóm đối tượng. Muốn vậy cần phải có nơi gặp gỡ, giao lưu nhiều hơn… Thanh niên có quyền lựa chọn những gì phù hợp với mình. Chúng ta không thể cưỡng ép thanh niên sống với những gì họ không trải qua, quan trọng là làm sao để họ thấy yêu văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Nếu chúng ta có tác phẩm hay, họ sẽ đón nhận. Trong nghệ thuật, ranh giới giữa sự "thông tục" và "tính đời sống" là rất mong manh. Vì thế, chính văn nghệ sĩ phải tự biết cải thiện mình. Trong nghệ thuật chỉ có hay và dở. Tác phẩm không hay, không phù hợp sẽ bị loại bỏ.

Còn theo nhà thơ Nguyễn Trung Sơn, cũng nên chấp nhận thị hiếu của thanh niên và biết cách nói chuyện với họ bằng tác phẩm. Bởi mỗi giai đoạn con người đều có nhu cầu riêng, không nên gò bó, áp đặt mà chỉ nên định hướng thông qua những sáng tác nghệ thuật của mình… "Cần hình thành những mặt trận tập hợp để nghiên cứu, chia sẻ nhu cầu của từng bộ phận thanh niên. Thanh niên ngày nay đón nhận âm nhạc bằng nhiều luồng và hình thức khác nhau, điều đó cũng hình thành nên thị hiếu âm nhạc của họ. Chúng ta nên có niềm tin vào giới trẻ và sáng tạo những tác phẩm hay phục vụ họ. Hãy để cho người nghe, đặc biệt là người trẻ tự tìm và định hình những dòng nhạc, tác phẩm mà họ yêu thích. Giá trị tác phẩm nằm ở thời gian". Nhạc sĩ Lê Minh Sơn và Trương Quý Hải đồng tình với quan điểm trên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng: "Sản phẩm nghệ thuật có tác động lớn đến nhận thức, tư tưởng của thanh niên. Tổ chức Đoàn cần có nhiều buổi giao lưu, trao đổi giữa giới nghệ sĩ và thanh, thiếu niên để cùng hiểu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên…". Nhạc sĩ Hoàng Lân cũng cho rằng, vấn đề giáo dục thị hiếu cho giới trẻ hiện nay không được các cấp có thẩm quyền quan tâm, với vai trò là tổ chức chính trị xã hội của thanh niên, tổ chức Đoàn cần tăng cường giáo dục cho thanh niên để họ nhận thức về nghệ thuật đúng đắn hơn…

Vũ Thủy