Quyền của... “thượng đế”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 13/02/2011
1. Dịp Tết Tân Mão vừa rồi có người từ Quảng Ninh về Hà Nội chúc Tết họ hàng. Hương Tết còn đậm nhưng đã có nhiều đơn vị vận chuyển hành khách vào việc, xe chạy rầm rầm trên đường. Xe to, nhận khách từ Cẩm Phả, đến Hòn Gai mới được hơn chục người. Tới bến xe Bãi Cháy thì phụ xe bắt đầu thu tiền. Khách về Hà Nội, khách đến Đông Triều, Phả Lại, cung đường ngắn, dài gì cũng chung mức giá 100.000 đồng/người - cao hơn mức giá ngày thường chừng 40% đối với khách đi Hà Nội và gần gấp ba đối với người đi Đông Triều. Chẳng khác mấy với thông tin giá vé xe khách chạy Tết tuyến Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh tăng 40-60%.
Ai cũng trả đủ, dù khó chịu một chút, nhưng rồi tặc lưỡi: "Tết mà!". Xe đưa khách về bến Mỹ Đình, đã có taxi chờ sẵn. Nghe người ta kháo nhau, Tết năm nào cũng vậy, luôn khó gọi taxi, khó ở đâu chứ, nhà ga, bến tàu thì không thiếu. Lái xe taxi đon đả mời khách: Về gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình, giá là một trăm nghìn đồng. "Sao đắt thế, mọi lần đi chỉ hết gần năm chục nghìn. Chú cứ đi, phải tính tiền theo đồng hồ chứ?". Tài xế dừng xe ngay để mời khách xuống - "Ngày này có xe taxi đi là tốt rồi"…
Năm mới khổ thế đấy - Tết mà!
Vẫn chuyện đầu năm, vào dãy hàng cà phê trên phố Lý Thường Kiệt để "hưởng" tách "nâu" chả ra nóng, chả ra lạnh, nguội thì đúng. Cô bán hàng dù nhìn thấy khách quen nhưng cũng không đon đả như hồi trong năm. Giá đồ uống ngày Tết cũng "lạnh" như đợt thời tiết khắc nghiệt vừa rồi, tức là tăng thêm cả chục nghìn đồng. Nói gì được nữa - Tết chứ không phải ngày thường.
Sáng mùng 6 tháng Giêng, đi làm, qua hàng phở bò thường dùng quà sáng ở phố Cầu Gỗ. Nước phở nhạt hơn bình thường. Thịt bò ít hơn bình thường. Hành loáng thoáng, không như ngày thường. Chỉ có giá là hơn bình thường mỗi bát chục nghìn đồng. Đang dịp đầu xuân, chắc chủ hàng "ngại" làm nhiều thịt thực khách sẽ… ngấy.
Dẫn những điều trên làm ví dụ chứ rất khó để kể hết "chiêu" tăng giá trục lợi trong và sau dịp Tết Tân Mão, cả những năm trước nữa.
2. Giá cả tiêu dùng trong năm đã tăng, đến Tết Nguyên đán thì còn tăng kinh khủng nữa, nhất là với nhóm hàng dịch vụ. Trong năm, giá tăng do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, có những nguyên nhân ở tầm thế giới, do thiên tai, khó can thiệp sâu và cũng không thể khắc phục hậu quả ngay được. Giá dịch vụ, một số sản phẩm tăng chóng mặt trong mấy ngày Tết cũng có nhiều nguyên nhân. Người cung cấp lợi dụng tâm lý "Tết mà" để tăng giá vô tội vạ, tính trục lợi rất rõ. Nguyên nhân cơ bản nữa là thái độ xuê xoa của người tiêu dùng. Ai cũng dễ dãi, không phản ứng, cũng không có thái độ tẩy chay đối với những nơi, những đơn vị, những nhãn hàng không giữ chữ tín. Thứ tâm lý kinh doanh, tâm lý tiêu dùng ấy rất nguy hiểm, bởi giá dịch vụ tăng "như đùa" trong mấy ngày Tết rồi nghiễm nhiên thành giá thường ngày, như đã thấy trong nhiều Tết trước.
Để xảy chuyện tăng giá vô tội vạ tất có lỗi của nhà quản lý. Nhưng người tiêu dùng cũng không biết cách tự bảo vệ mình, để cái sự "chém" nhân dịp nọ dịp kia hoành hành, thành thứ bệnh xã hội khiến bao nhiêu người phải khổ. Trong khi chờ Luật Bảo vệ người tiêu dùng được thông qua, chờ Hội Bảo vệ người tiêu dùng thể hiện rõ sự có mặt của mình, chờ nhà quản lý có thêm giải pháp hiệu quả chống đầu cơ, trục lợi thì mỗi người hãy nêu cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình, của cộng đồng. Đơn giản là kiên quyết nói "không" với những nơi định tăng giá một cách vô lối. Ai cũng ý thức rõ, góp phần hình thành lề lối ứng xử phù hợp thì chủ kinh doanh, dịch vụ đâu có dễ tung hoành.
Mà thế mới đúng là "thượng đế" chứ!