Một lần đi lạc ở Hà Nội

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:42, 12/02/2011

(HNM) - Giáo sư Bruce Weigl được biết đến như một hiện tượng của thi ca Mỹ. Từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến năm 1968 trong Lữ đoàn Kỵ binh bay số 1, ông đã chứng kiến những sự thật kinh hoàng từ cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Trở về Mỹ, ông cực lực phản đối chiến tranh và là một trong những cựu binh Mỹ đầu tiên đặt chân đến Hà Nội vào năm 1985.

Những cảm nhận của ông về một lần đi lạc ở Hà Nội được ghi lại dưới đây thể hiện sự khám phá văn hóa và tâm hồn người Việt.

Trong ký ức của Giáo sư Bruce Weigl Hà Nội thật đẹp và ấm áp tình người. Ảnh: BẢO ĐAN

Tôi đánh lửa một que diêm và nhìn, dưới ánh sáng chập chờn, kim đồng hồ chỉ mười rưỡi đêm. Thời điểm đó là vào năm 1990. Tôi đã đi bộ ròng rã hai giờ đồng hồ, từ nhà khách gần hồ Tây tìm đường đến nhà một người bạn mới quen sống gần hồ Hoàn Kiếm. Cô ấy là một nhà báo đang đưa tin về hội nghị mà tôi tham dự cùng với những nhà văn và nhà thơ khác, những người đã chiến đấu ở hai chiến tuyến trong chiến tranh.

Đó là một tuần lễ tuyệt vời nhất đối với tôi. Tâm hồn tôi có cơ hội được hàn gắn và hồi phục sau khi trò chuyện với những người đàn ông tôi đã chiến đấu chống lại, đôi khi trực tiếp chống lại. Cuộc hội thảo sắp kết thúc. Đoàn của tôi đã rời Hà Nội để đến thành phố Hồ Chí Minh, chỉ mình tôi quyết định ở lại Hà Nội thêm vài ngày nữa. Tôi cảm thấy mình sắp được học những điều rất quan trọng về văn hóa và con người Việt Nam. Vì thế, tôi rất vui mừng nhận lời đến thăm gia đình cô nhà báo.

Tôi đang ở trên phố Hà Nội một mình, trong đêm, không biết tiếng Việt. Áo và tóc ướt sũng mồ hôi, bước chân vẫn tìm đường dọc theo đường ray xe lửa cũ hoặc xe điện với hy vọng đến được trung tâm thành phố, đến cái hồ và ngôi nhà của bạn tôi, nơi cô và gia đình đang đợi gặp người đã từng tham gia chiến tranh chống lại đất nước họ.

Giáo sư Bruce Weigl

Có cái gì đó kéo tôi đi, như thể có một sợi dây phía trước; có điều gì đó đang kéo tôi vào trung tâm của sự hiểu biết. Rồi tôi lại bị lạc trong một cái ngõ tối, nơi một chú chó nhỏ sủa dữ dội và nhe hàm răng sắc nhọn gầm gừ. Một cậu bé chạy ra đuổi chó và hồ hởi hỏi han tôi. Chúng tôi nói về sức khỏe, thời tiết cho tới khi cậu bé cạn vốn tiếng Anh.

Giờ đây, tôi đã quên cách phát âm tên của cái hồ, nơi có con phố và ngôi nhà của bạn. Nhưng truyền thuyết về cái hồ đã giúp tôi vẽ con rùa ngậm một thanh gươm trong miệng, rồi thêm vào đó một dấu chấm hỏi, tôi đưa cho cậu bé. Chăm chú nhìn, trán nhăn lại, cậu bé bối rối. Tôi xem lại, con rùa chẳng giống con rùa, gươm cũng chẳng giống gươm và cái hồ thì giống như một miệng núi lửa trên mặt trăng. Cậu bé cười, bạn cậu chạy lại xem cũng cười, lắc đầu. Tôi thì cười khả năng vẽ tồi tệ của mình và vì chuyến đi lạc vào một nền văn hóa mà mình chưa hiểu chút gì.

Mọi người bắt đầu tụ tập quanh chúng tôi, chuyền tay nhau bức vẽ bí ẩn. Cuối cùng, một người đàn ông lớn tuổi len vào, xem kỹ nó. Sau ít phút, ông ra hiệu lấy một chiếc điếu cày. Rít một hơi dài rồi trao cho tôi chiếc ống. Tôi cũng rít một hơi và suýt ngất xỉu khi đứng lên. Ông lại ra hiệu để đám đông im lặng, chỉ tay vào bức vẽ, rồi chỉ tiếp về một hướng, gật đầu cười với tôi bằng ánh mắt. Sự yên tâm chiếm lĩnh tôi như thể một cơn gió mát.

Lúc này những con phố vắng vẻ hơn. Tôi chưa bao giờ đi trên phố đêm tại Hà Nội. Có mặt ở thành phố này lần đầu tiên vào năm 1985, đoàn chúng tôi ít người và luôn có hướng dẫn viên. Giờ đây, việc đi lạc và mất phương hướng vừa phủ lên tôi nỗi sợ hãi mơ hồ, vừa mang cho tôi cảm giác được tự do. Tôi cảm thấy mình đang ở thật gần người Việt. Rảo bước nhanh qua một con phố có nhiều cửa hàng đang dần đóng cửa, tôi nhận thấy trên vỉa hè, một số người vẫn ngồi uống trà, cà phê, hút thuốc lào. Họ mỉm cười với tôi. Chợt một người đàn ông mời tôi dừng lại. Ngồi xuống chiếc ghế nhựa thấp bé như thể chỉ để dùng cho trẻ con ngồi, tôi đón cốc trà người phụ nữ (có lẽ là vợ ông) trao cho. Bên cạnh là cô gái trẻ giống như con gái họ. Tôi ao ước có thể nói chuyện với gia đình ấy. Tôi muốn cảm ơn họ về lòng tốt mà họ đã tặng cho một người lạ mặt đi qua. Tôi muốn nói lời xin lỗi vì tôi đã là một phần của đoàn quân đến Việt Nam để phá hủy đất nước xinh đẹp của họ. Nhưng tôi chỉ có thể cúi người, trong khi họ cười với tôi và lại rót trà nóng đầy cốc cho tôi.

Tôi lại vẽ truyền thuyết về chiếc hồ. Người đàn ông gần như bật dậy ngay và nói: "Ồ, Hoàn Kiếm", những tiếng tôi không hiểu nghĩa nhưng nghe rất quen. Ông lôi tay tôi qua một ngõ nhỏ. Trời tối đến mức dường như không thấy lối đi, nhưng tôi không sợ hãi vì nghĩ rằng tôi đã thuộc về một nơi tôi muốn đến. Chúng tôi rẽ qua một con phố khác, nơi văng vẳng tiếng nhạc từ một nhạc cụ bằng dây nào đó và tiếng trống, tiếng người vang lên trên làn gió mát từ một nơi tôi không thể thấy.

Tôi hổn hển bước theo ông vào một ngõ rẽ khác, chợt trước mặt tôi hiện ra hồ nước lung linh trong đêm như một viên ngọc quý. Ánh sáng từ đường viền bờ hồ, từ ngôi tháp trên đảo và ánh sáng cũng như đang trôi trên mặt nước. Trẻ con đá cầu lên xuống trong ánh sáng đèn đường, khi cha mẹ chúng ngồi gần đó đọc báo. Tôi biết rằng đã quá muộn để đến nhà bạn.

Không đến được nhà bạn, nhưng tôi cũng đã đến được với cái hồ. Tôi đã đi bộ từ đầu này tới đầu kia của thành phố. Dọc đường đi, nhiều người đã khiến tôi xúc động và có lẽ tôi cũng đã làm cho một số người cảm động. Đó là một phần thưởng lớn kể cả khi tôi không được gặp lại bạn tôi nữa. Tôi hiểu được một điều gì đó thẳm sâu và gắn bó về đất nước của cô, một điều mà tôi chưa biết cho đến buổi tối hôm nay.

Chầm chậm thả bộ xung quanh hồ và chuẩn bị cho một chuyến đi bộ dài về hồ Tây. Vừa len qua hai chiếc xích lô để vượt sang đường, tôi bắt gặp ánh mắt của một ai đó từ bên góc đường đối diện. Thật bất ngờ, người phụ nữ đằng kia chính là cô bạn nhà báo tôi đã gặp sáng nay. Cô cười khi trông thấy tôi và bẽn lẽn giấu nụ cười. Một lần nữa tôi như lại tìm thấy cảm giác bình yên và thanh thản. Tôi muốn tiếp tục được đi lạc. Tôi đã vẽ về một truyền thuyết lâu đời để những người lạ mặt xem và chỉ đường cho tôi. Bạn có thể gọi điều đó là đi lạc hoặc bạn có thể gọi đó là phúc lành.

Giáo sư Bruce Weigl nguyên là Chủ tịch Chương trình Viết văn quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định thơ của Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ. Năm 1988, tập thơ "Bài hát bom Napan" của Bruce Weigl đã được đề cử cho Giải thưởng Pulitzer. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng văn học như Giải thưởng Thơ Paterson, Giải thưởng Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia và Quỹ Yaddo, Giải thưởng Pushcart và giải thưởng dành cho nhà thơ xuất sắc của Viện Thi ca Mỹ. Năm 2006, ông là nhà thơ duy nhất vinh dự nhận được Giải thưởng Văn học Lannan.

Nguyễn Minh