Những câu chuyện ngọt ngào cho ngày Lễ Tình nhân
Giải trí - Ngày đăng : 22:16, 11/02/2011
“Mai mối cho tôi nếu em có thể” của Susan Elizabeth Phillips theo một mô-tip quen thuộc: Chàng đẹp trai, tài năng, quyến rũ nhưng chưa có nhiều hơn một mối tình sâu sắc; nàng là một “thảm họa biết đi” chính hiệu, có thừa nhiệt tình và tất nhiên là sự hấp dẫn không thể cưỡng lại, ít nhất là với chàng. Ban đầu họ ghét nhau, hẳn nhiên là thế, họ đối đầu nhau, và điều duy nhất khiến họ cảm thấy dễ chịu là làm cho nhau phát điên lên.
Một kết thúc có hậu, không thể khác được, nhưng cách Susan Elizabeth Phillips dẫn dắt người đọc đến với thế giới nhân vật của mình chắc chắn nằm ngoài bất kỳ sự tưởng tượng nào. Ẩn sau những hào nhoáng của thế giới người nổi tiếng với quần áo hàng hiệu, những câu lạc bộ đậm mùi giàu sang hay những chiếc xe hơi đắt tiền, mỗi nhân vật của Susan Elizabeth Phillips đều có cho riêng mình những góc nội tâm phức tạp, nhạy cảm nhưng luôn sẵn sàng đón nhận yêu thương…
Trong khi đó tác phẩm “Đâu chỉ mình anh” lại là câu chuyện về cô gái từng ôm mối tình trung học đơn phương với “hot boy” của trường, để rồi nhiều năm sau gặp lại, trái tim vẫn không ngừng thổn thức. Chàng trai ấy đã để mắt đến cô và họ đã có một đám cưới hạnh phúc. Vì người mình yêu, cô không ngần ngại thay đổi mọi thứ theo ý anh, từ bề ngoài đến tính cách. Để rồi một ngày cô nhận ra, mình không còn là chính mình khi đã quên đi một Alice rụt rè, không cầu kỳ chải chuốt và luôn mơ về ngôi nhà nhỏ chốn thôn quê ngày nào… Đó cũng chính là lúc Alice đặt lại cho mình câu hỏi ấy nhưng lần này, cô đã có câu trả lời chính xác hơn: Tình yêu đáng để ta đánh đổi mọi thứ, nhưng chỉ khi đó là người đàn ông xứng đáng, là người yêu ta thật lòng…
Từng thành công với “Tôi là Jemima” hay câu chuyện về “Vịt con xấu xí” hóa thiên nga, tác giả Jane Green tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình với “Đâu chỉ mình anh”, được New Woman đánh giá là “một cuốn sách tuyệt vời mà không phụ nữ nào có thể bỏ qua”. Đó là bức tranh thực tế về phụ nữ hiện đại, những người có thể hết mình trong tình yêu nhưng vẫn đủ tỉnh táo để tìm cho mình một con đường khác. Không bi lụy, ướt át, cuốn sách đơn giản là một câu chuyện đời thường với những vấp váp đời thường, và tất nhiên, là hạnh phúc đời thường mà ta luôn kiếm tìm.
Cuốn tiểu thuyết “Nếu đời anh vắng em” của Guillaume Musso lại mang đến sự cảm động đến day dứt mối tình của Gabrielle và Martin. Một mối tình không kéo dài quá kỳ nghỉ hè nhưng lại ám ảnh cả hai sâu đậm. Thất tình, anh trở về Pháp, quyết tâm thi vào trường cảnh sát, sau đó trở thành cảnh sát hàng đầu Paris, chuyên theo dõi và truy bắt những tên trộm nghệ thuật thiện xảo. Chủ động từ bỏ tình yêu, cô trở lại cuộc sống bình thường với công việc của nhân viên một khu bảo tồn, ngày ngày lái thủy phi cơ chuyên chở khách du lịch tham quan vịnh San Francisco.
Với Martin và Gabrielle, cuộc đời họ suốt bao năm thiếu vắng nhau chỉ là những chuỗi ngày dài u tối, khi anh oán giận cuộc đời, lao vào những điệp vụ gai góc, để quên đi nỗi trống vắng, để coi đó là lý do sinh tồn; là những tháng ngày khắc khoải cô đơn, khi cô triền miên trong những cuộc tình dễ dãi nhưng mỗi sáng thức giấc lại trào lên nỗi khao khát người tình xưa. Mười lăm năm sau, cuộc đời đầy bất ngờ dành thêm cho họ một cơ hội, một cơ hội để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, một cơ hội để tìm lại yêu thương. Nhưng lần này, cơ hội ấy cũng không hề dễ dàng với sự xuất hiện nhân vật thứ ba, Archibald, người cha bí ẩn mà Gabrielle không hề biết, tên trộm tranh lừng danh nhất thế kỷ đồng thời cũng là kẻ tử thù của Martin…
Khai thác một chủ đề không mới mẻ nhưng ngòi bút tài hoa của Guillaume Musso, một trong những tên tuổi hàng đầu của dòng tiểu thuyết lãng mạn đương đại vẫn khiến độc giả bị cuốn hút vào thế giới nhân vật với những diễn biến hết sức bất ngờ. Sự kết hợp của yếu tố lãng mạn, một chút phiêu lưu đậm chất trinh thám đan xen một chút thần tiên, huyền ảo khiến “Nếu đời anh vắng em” tiếp tục trở thành một trong những tiểu thuyết thành công nhất của Musso khi lập nên kỳ tích chỉ trong vòng ba tuần đã có 132.000 bản trong số 450.000 bản in được tiêu thụ tại Pháp.