Tài năng piano Trang Trịnh kể chuyện qua “Nhật ký dương cầm”

Văn hóa - Ngày đăng : 08:00, 11/02/2011

(HNMO) - Lần đầu tiên nữ nghệ sỹ piano tài năng của thế hệ 8X thực hiện một câu chuyện trên cây đàn dương cầm tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 23/2 với tên gọi “Nhật ký dương cầm”. Trang Trịnh được đánh giá là một trong những nghệ sỹ piano trẻ tài năng nhất hiện nay với một bản thành tích đáng nể mà cô làm được tại nước ngoài.

Tài năng trẻ piano Trang Trịnh về nước làm "Nhật ký dương cầm"


Hãy nghe trước khi nghĩ nhạc cổ điển khó

* Lý do Trang Trịnh lại quyết định về nước thực hiện “Nhật ký dương cầm” là gì vậy?

- Tôi đã thực hiện một chương trình biểu diễn tại nước ngoài có kịch bản hẳn hoi. Ở đó tôi kể câu chuyện của mình với một kết cấu xuyên suốt. Tôi thực hiện ý tưởng này với suy nghĩ, nếu như trên thế giới chỉ có một cây đàn dương cầm thì cây đàn sẽ kể những chuyện gì. Tôi vẫn nghĩ cây đàn không phải là vật vô tri mà nó có linh hồn, có thể kể chuyện. Mỗi một người khi ngồi vào đó thì cây đàn sẽ kể về cuộc đời của họ theo từng cách khác nhau.

Khi tôi thực hiện đêm nhạc có cốt chuyện kiểu này ở nước ngoài, tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp và thầy dạy. Mọi người bảo tôi, sao không mang ý tưởng này về Việt Nam biểu diễn. Tôi thấy đó là một gợi ý hay và giờ tôi thực hiện nó sau nhiều lần mong muốn.

* Nhìn Trang Trịnh ở ngoài đời, có thể thấy bạn khá nhút nhát cho dù bạn học và phát triển sự nghiệp ở nước ngoài. Nhưng khi nhìn bạn trên sân khấu thì đó lại là một hình ảnh khác. Điều gì tạo sự khác biệt ở bạn đến vậy?

- Nói thật là tôi rất ngại tiếp xúc với người khác, đến mức tôi còn ngại cả nghe điện thoại. Tôi tự thấy mình là một người nhút nhát và hơi khép mình. Nhưng khi chỉ có tôi với cây đàn thì đó dường như là thế giới của tôi. Tôi thoải mái thể hiện mình. Piano là ngôn ngữ của tôi và tôi nói chuyện bằng piano suốt cả ngày mà không chán. Tôi có thể kể cho bất cứ ai muốn nghe về mình thông qua piano. Khi ở trên sân khấu, tôi không chỉ có một mình mà có cả một người bạn ở cạnh với một không gian rộng lớn. Trên sân khấu tôi thấy mình như đang sống và đang được là mình. Âm nhạc thường mang đến những điều kỳ diệu như vậy, khiến bạn mạnh mẽ và kiên cường hơn rất nhiều.

Trang Trịnh và đồng nghiệp ở Anh



* Bạn từng bị chấn thương tay trái đến mức suýt nữa thì phải dừng chơi piano. Vượt qua khó khăn này hẳn bạn đã phải mất rất nhiều thời gian?

- Đó là giai đoạn khủng hoảng nhất của tôi. Lúc đó tôi không biết làm gì nữa. Nhưng may là tôi có một chuyên gia phục hồi chấn thương giúp đỡ. Người đó đã giúp tôi lấy lại sức sống của bàn tay mình, và tôi cũng phải mất 7 tháng trời tập nhạc lại từ đầu. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất mà tôi phải vượt qua. Sau này nhìn lại, tôi thấy quan trọng nhất vẫn là tâm lý của mình. Vết thương thể xác có thể hồi phục hoàn toàn nhưng nếu tâm lý của mình không hồi phục thì mình sẽ không bao giờ có thể chơi lại piano và quay trở lại sân khấu.

* Khán giả Việt Nam vẫn còn xa lạ với nhạc cổ điển. Khi thực hiện một buổi biểu diễn ở Việt Nam bạn có nghĩ đến khó khăn này?

- Thật sự là khi về nước tôi vấp phải nhiều điều khiến tôi từng rất nản. Đó là khi tôi đưa ra một ý tưởng nào đó đều bị mọi người gạt đi và nói: “Người Việt Nam không hiểu gì đâu, làm làm gì mất công” hay “Cái này khó lắm, khản giả Việt Nam chẳng quan tâm đâu”. Tại sao mọi người lại không nghĩ cứ thử nghe nhạc cổ điển đi trước khi nghĩ là khó và không hiểu gì. Tôi cho rằng, khán giả đang tự xem nhẹ khả năng của mình mà thôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấm một lời khuyên của nghệ sỹ Bích Trà giành cho mình, đó là đừng bao giờ coi thường khán giả. Hãy biểu diễn hết mình, tôn trọng họ thì khán giả sẽ nhận được sự hưởng ứng của họ. Tôi làm chương trình này cũng vì mục đích để mọi người đến gần hơn với nhạc cổ điển và để khán giả hiểu hơn về thể loại âm nhạc mà họ vẫn nghĩ là khó nghe.

* Vậy tại sao bạn không làm đêm nhạc miễn phí như nhiều nghệ sỹ khác vẫn làm để khán giả đến với bạn đông hơn mà lại bán vé?

- Tôi cho rằng đó là một quan niệm sai lầm về thưởng thức nghệ thuật. Khán giả Việt Nam luôn có suy nghĩ xem nghệ thuật được miễn phí hoặc xin vé thay vì đi mua để tự thưởng thức. Đôi khi, việc miễn phí tưởng mang đến cho khán giả cảm giác nghệ thuật là vô giá nhưng thực chất là đang làm cho nghệ thuật trở thành vô giá trị. Tôi thật sự muốn công chúng coi trọng cái mà họ đang nghe, xem bằng cách bỏ tiền mua vé. Lần này, tôi bán vé không phải vì mục đích thu lợi bởi đêm nhạc của tôi có tài trợ rồi, mà tôi muốn công chúng có ý thức khi thưởng thức nghệ thuật mà thôi.

Thích tính cộng đồng ở quê nhà

* Xa quê hương khá lâu, lần này về nước điều gì khiến bản cảm thấy khác lạ?

- Tôi nói về sự khác biệt khiến tôi không thích trước đã nhé. Đó là tiếng còi xe khiến cho nhiều khi tôi cảm thấy khó chịu. Ở nước ngoài thì không mấy ai bấm khi tham gia giao thông trong khi về Việt Nam ai đi đường cũng bấm còi inh ỏi. Thời gian đầu tôi cảm thấy không chịu nổi, nhưng sau này thì tôi thấy đó cũng là đặc điểm riêng, dù không đẹp cho lắm. Một lần tôi nghe điện thoại của bố, bỗng nghe thấy tiếng “bim bim” lọt vào trong điện thoại, tự dưng lúc đó tôi thấy nhớ nhà.

Sự khác biệt thứ hai mà tôi không thích khi về nước, đó là đôi khi sự riêng tư của tôi bị làm phiền khá nhiều. Ở Anh, tôi có một căn phòng được riêng tư gần như tuyệt đối, không ai làm phiền khi tôi khi tôi tập đàn. Nhưng khi về Việt Nam thì tôi lại không có cảm giác được yên tĩnh. Phòng của tôi toàn cửa sổ nhìn sang các nhà khác, rồi mọi người hay tò mò vào đời tư của tôi, hỏi tôi có người yêu chưa chẳng hạn…

* Còn điều gì khiến bạn thấy thích thú?

- Nhiều chứ. Tôi thích tính cộng đồng của quê hương. Ở nước ngoài nhiều khi độc lập quá nên mọi người thiếu sự quan tâm đến nhau. Đôi khi sự thờ ơ ấy khiến cho con người cảm thấy cô đơn. Trong khi ở quê hương, tính cộng đồng lại rất cao, mọi người thường xuyên hỏi han nhau. Năm nay tôi ăn Tết ở nhà sau rất nhiều năm tôi không về nước. Bố mẹ đưa tôi đi thăm họ hàng, làng xóm. Lúc đầu tôi cứ tự hỏi, sao lại phải đi thăm hỏi nhiều thế. Bố tôi bảo, cả năm mới có một dịp để thăm hỏi họ hàng, người thân nên đó là việc làm cần thiết. Giờ thì tôi hiểu đó là một nét văn hoá rất cần gìn giữ, bởi nếu những thế hệ trẻ như tôi không giữ gìn thì nét văn hoá cộng đồng rất đẹp này sẽ mất.

* Ở nước ngoài, bạn làm gì để mọi người luôn biết bạn là người Việt Nam?

- Tôi luôn ý thức rằng, dù ở đâu thì tôi vẫn là một cô gái Việt. Nhiều lần tôi biểu diễn tôi chọn mặc áo dài truyền thống. Mặt khác, trong bất cứ chương trình nào tôi tham gia thì ở tờ giới thiệu chương trình luôn có dòng chữ “the Vietnamese pianist” (nghệ sỹ piano Việt Nam) để tránh cho khán giả nhầm lẫn tôi với người Hàn Quốc hay Trung Quốc. Trong suy nghĩ của khá nhiều khán giả ở nước ngoài, nghệ sỹ châu Á chơi đàn hay chỉ có thể là người Trung Quốc, hoặc Hàn Quốc mà thôi. Vì thế, nhiều người sau khi nghe tôi đàn xong đã bày tỏ sự ngạc nhiên rằng không nghĩ người Việt Nam lại có thể chơi đàn được như thế. Điều này khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

* Cám ơn bạn về cuộc trò chuyện cởi mở!

Trang Trịnh sinh năm 1986 tại Hà Nội. Cô làm quen với âm nhạc từ khi mới hơn ba tuổi. Sau khi giành giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ những năm 1996, 1997, cô liên tục được tham dự các chương trình âm nhạc cổ điển phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam. Năm 1998, cô được học và biểu diễn cùng Claude Kahn, nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng của Pháp.

Năm 2004, Trang Trịnh may mắn theo học 2 vị giáo sư lỗi lạc là Christopher Elton và Hilary Coates tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (RAM) với học bổng Sterndale Bennett. Năm 2006, cô đoạt giải Nhất trong cuộc thi chọn người độc tấu trong Festival “Paganini”, và ra mắt công chúng London bằng bản nhạc “Điệu nhảy Thần Chết” của Franz Liszt với nhạc trưởng của Nhà hát Nhạc kịch Quốc gia Anh là Edward Gardner.

Năm 2007, Trang Trịnh giành Francis Simmer Prize - giải dành cho người xuất sắc cuộc thi độc tấu Piano và giải Lilian Davis Prize, cuộc thi biểu diễn các tác phẩm Sonata - Beethoven.

Năm 2008, cô được giải Gretta GM Parkinson Prize 2008 - Giải thưởng cho người có thành tích học tập xuất sắc.

Cô còn đoạt được nhiều giải thưởng khác như: giải Nhì trong cuộc thi Beethoven (London RAM) - 2008; Giải Mozart Prize (cuộc thi Jacque Samuel Competition) - 2009.

Lệ Quyên