Vĩnh biệt cây đại thụ của nền giáo dục cách mạng

Giáo dục - Ngày đăng : 07:07, 11/02/2011

(HNM) - Tin GS Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam từ trần vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 khiến không ít đồng nghiệp, các thế hệ sinh viên và tất cả những ai quan tâm tới sự nghiệp GD-ĐT bàng hoàng, thương tiếc.

Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, cụ là một trong những người cuối cùng của một “thế hệ vàng” mà người dẫn đạo cho thế hệ ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã có cống hiến to lớn trong việc xây dựng nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại…

GS Vũ Đình Hòe. Ảnh: Vũ Thế Khôi

Cụ Vũ Đình Hòe sinh ngày 1-6-1912 trong một gia đình có truyền thống Nho học, từ nhỏ đã làm gia sư, tự kiếm sống để học lấy bằng cử nhân luật khoa Đại học Đông Dương. Với tấm bằng đó, cụ có thể dễ dàng được chính quyền thuộc địa bổ nhiệm làm quan chức cao, lương trọng, nhưng cụ Hòe đã chọn nghề dạy học tại các trường tư Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội để cùng nhiều đồng nghiệp yêu nước tham gia hoạt động xã hội. Cũng từ đây, cụ đã khởi xướng các chủ trương xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiếp cận tư tưởng văn hóa giáo dục văn minh phương Tây, tích cực chống lại chính sách nô dịch của nhà cầm quyền thực dân Pháp. Một trong những hoạt động tiêu biểu của cụ trong thời gian này là tham gia lập Hội Ánh sáng (tuyên truyền dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo), là thành viên tích cực vận động mở các lớp của Hội Truyền bá Quốc ngữ...

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28-8-1945, cụ Vũ Đình Hòe được cử vào Chính phủ lâm thời, giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Một trong những cống hiến quan trọng nhất với ngành giáo dục là cụ đã đệ trình Hồ Chủ tịch 3 sắc lệnh, về thành lập ngành Bình dân học vụ; mở lớp học buổi tối cho nông dân… thanh toán nạn mù chữ và về hiệu quả phong trào “diệt giặc dốt”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Cũng trong năm 1945, cụ là người chỉ đạo khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam với chủ trương giảng dạy bằng tiếng Việt và cụ trực tiếp dạy môn kinh tế.

Để tiến hành cải cách căn bản và xây dựng nền giáo dục mới, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã đệ trình Chủ tịch Hồ Chí Minh Sắc lệnh thành lập Hội đồng Cố vấn học chính và chỉ vài tháng sau, Bộ trưởng lại cùng một số vị đại diện Hội đồng trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh Đề án cải cách giáo dục.

Không chỉ có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục, cụ còn để lại nhiều dấu ấn khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ năm 1946 đến năm 1960. Cụ đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Hiến pháp năm 1946, cùng đồng nghiệp xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp và hệ thống luật pháp dân chủ nhân dân…

Cụ còn là tấm gương sáng về tự học, với vốn tiếng Anh, Nga và Pháp giỏi; từng nghiên cứu, chủ biên và là đồng tác giả của nhiều công trình luật học như Hợp đồng kinh tế, Những vấn đề Nhà nước và pháp luật, Nhà nước và cách mạng…

Sau này, khi đã nghỉ hưu, cụ tập trung bổ sung, hoàn thiện 2 công trình lớn: Hồi ký Thanh Nghị (đã xuất bản 4 lần) và Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh (đã xuất bản quyển 1, quyển 2 và đang hoàn thiện quyển 3…). Sách cụ viết không hoàn toàn là hồi ức của một cá nhân, mà là trải nghiệm của “người trong cuộc” về những vấn đề gắn với lịch sử cách mạng giải phóng và công cuộc xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập, vì thế có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn.

GS Vũ Đình Hòe đã cống hiến cả cuộc đời cho công cuộc xây dựng nước nhà, trong đó có những nỗi niềm riêng với ngành giáo dục mà ngay cả khi đã “gần đất xa trời” cụ vẫn luôn đau đáu. Đó là 3 ước nguyện mà cụ giãi bày trong một dịp đầu xuân: Mong trẻ em không bị bạo hành, mong người già được con cháu cùng toàn thể xã hội kính trọng chăm sóc, mong nền giáo dục của ta thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn thịnh…

Vĩnh biệt GS Vũ Đình Hòe, cây đại thụ của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, một nhà yêu nước, một trí thức lớn, một tấm gương sáng về đạo đức và tự học… Hôm nay, ngày 11-2-2011, lễ truy điệu và đưa tang GS được tổ chức tại Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh, số 25 phố Lê Quý Đôn.

Thống Nhất