Sôi động du lịch lễ hội đầu xuân
Du lịch - Ngày đăng : 07:01, 11/02/2011
Đắt hàng du lịch tâm linh
Ngay từ 8-2 (mùng 6 Tết), ngày làm việc đầu tiên của năm mới, các công ty du lịch đã bận rộn trả lời điện thoại, tiếp khách đặt tour du xuân vãng cảnh đền, chùa.
Bà Dương Mai Lan, đại diện Chi nhánh Vietravel tại Hà Nội cho biết, theo phong tục của người Việt Nam, những ngày đầu năm mới, các gia đình thường đi lễ ở các đền, chùa để cầu mong một năm an khang, thịnh vượng. Chính vì vậy, ngày đầu tiên làm việc trở lại sau thời gian nghỉ Tết, Vietravel đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của các cơ quan, đơn vị đăng ký cho tập thể cán bộ nhân viên với các điểm đến quen thuộc như chùa Hương, Yên Tử, đền Trần, chùa Bái Đính, đền Hùng, Côn Sơn - Kiếp Bạc… Khác với các tour nghỉ Tết được các "thượng đế" chọn điểm đi dài ngày, những chương trình du xuân thường được tổ chức ngắn ngày hơn (khoảng từ 1 đến 2 ngày), đông nhất là vào cuối tuần.
Du khách tham gia lễ hội đền Kỳ Cùng (Lạng Sơn). Ảnh: TTXVN |
Sớm triển khai chùm tour lễ hội, hành hương ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, bắt đầu từ ngày 12-2 (mùng 10 tháng Giêng), Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tổ chức cho du khách được trảy hội chùa Hương, dự Giỗ Tổ Hùng Vương, vui Tết Nguyên tiêu trên phố cổ Hội An hay về những miền đất Phật linh thiêng. Nhiều tour lễ hội xuân Tân Mão 2011 phong phú khác cũng được Fiditour, Bến Thành, Trái Tim Việt… giới thiệu để khách hàng lựa chọn. Ước tính, năm nay, lượng khách tham gia tour lễ hội sẽ tăng từ 20% đến 30%.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho biết, tham gia các chuyến hành hương chủ yếu là khách nội địa và Việt kiều. Khách nước ngoài cũng có nhưng không nhiều. Chính vì vậy, vào dịp này, các công ty du lịch ưu tiên tập trung khai thác thị trường nội địa.
Một vài kinh nghiệm cho khách lẻ
Ngoài số lượng khách đặt tour lễ hội qua các hãng lữ hành, số người tự tổ chức đi hành hương, lễ chùa đầu năm cũng ngày càng tăng và đây chính là đối tượng dễ bị "móc túi" nhất.
Anh Nguyễn Huy Hoàng (ở số 6 ngõ 24/7 đường Ngọc Lâm, Long Biên) kể, dù đã chuẩn bị từ trước nhưng nhiều ngày nay anh vẫn phải tất bật gọi điện khắp nơi tìm thuê chiếc xe ưng ý để gia đình đi lễ đầu xuân tại Tuyên Quang. Được dịp "làm ăn" nên các chủ xe đều đồng loạt tăng giá. Chẳng hạn, giá thuê dòng xe 4 chỗ Hyundai Getz bình thường khoảng 450.000 - 500.000 đồng/xe/ngày thì nay tăng thêm từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/xe/ngày. Tương tự, Toyota Innova cũng tăng giá thuê từ 850.000 đồng lên 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/xe/ngày. "Dù tăng giá nhưng nếu chậm chân, khách cũng không thể thuê được xe".
Theo đánh giá của các công ty du lịch tại Hà Nội, ngay trong những ngày đầu năm mới, dịch vụ thuê xe tự lái "cháy" hàng, khiến mức giá bị đội thêm từ 30% đến 40% so với bình thường. Ngoài cước vận chuyển, giá các loại dịch vụ khác như giá phòng, ăn uống, gửi xe… cũng rục rịch tăng tại các điểm du lịch lễ hội. "Các hãng lữ hành có uy tín luôn duy trì giá tour ổn định do có mối quan hệ lâu bền với các đối tác làm việc vận chuyển, nhà hàng, cơ sở lưu trú. Chỉ có khách lẻ là dễ bị "chặt chém" nhất trong các dịp lễ, Tết. Người Việt thường đi du lịch theo cảm hứng mà không có một kế hoạch cụ thể từ trước. Điều đó khiến họ hay gặp phải cảnh bị ép giá do khan nguồn cung", ông Nguyễn Công Hoan nhận xét.
Dù năm nào vào dịp cao điểm của mùa lễ hội, chính quyền các địa phương cũng "ra quân" và khẳng định sẽ tìm mọi biện pháp để hạn chế tình trạng du khách bị bắt ép phải chịu giá dịch vụ đắt đỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, cứ mỗi lễ hội qua đi, hiện tượng "móc hầu bao", đối xử thô bạo, thiếu văn hóa với du khách vẫn tái diễn. Phải làm gì để bảo vệ du khách trước thực trạng trên?
Từ kinh nghiệm tổ chức tour, ông Nguyễn Công Hoan đưa ra lời khuyên, du khách tự đi du lịch nên tham khảo nhiều hãng xe trước khi đặt thuê; yêu cầu được xác nhận chủng loại, đời xe và kiểm tra biển số trước ngày nhận để tránh trường hợp ban đầu nhà xe giới thiệu xe tốt nhưng sau đó lại giao cho khách xe khác, chất lượng kém hơn. Đặc biệt, du khách cần cam kết đầy đủ trách nhiệm của chủ xe trong trường hợp sai hẹn, xe hỏng dọc đường. Theo ông Nguyễn Công Hoan, khách cũng có thể nhờ các công ty du lịch có uy tín tư vấn, thuê xe, phòng nghỉ; tránh những văn phòng du lịch vô danh, chỉ xuất hiện trong mùa lễ hội.
Để tránh đông đúc, chật chội, các công ty lữ hành cũng khuyến cáo, du khách phương xa hành hương nên mua tour của địa phương đó. Ngoài ra, du khách nên kiên quyết từ chối "cò" chèo kéo, mời mọc gửi xe, thuê đò, mua đồ lễ, ăn uống, rút quẻ… tại các điểm lễ hội vì sẽ bị ép mua với giá cắt cổ.