Ai Cập: Bình yên chưa trở lại
Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 11/02/2011
Người biểu tình Ai Cập vẫn tràn ngập quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo. |
Cơn thịnh nộ đã bước sang ngày thứ 16 của dân chúng chưa hề có dấu hiệu lắng dịu, bất chấp cảnh báo của Phó Tổng thống Omar Suleiman rằng Chính phủ sẽ không khoan nhượng nếu việc chiếm cứ quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo tiếp tục kéo dài. Ngược lại, nhiều lều cố thủ đã được dựng lên tại đây trong khi khoảng 1.000 người đã tuần hành tới tòa nhà Quốc hội để kêu gọi các nghị sĩ từ chức, đồng thời khẳng định sẽ biểu tình cho đến khi Quốc hội bị giải tán. Tình hình diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực ngoại ô Cairo, khi một số tòa nhà công quyền ở Kharga, Port Said, Assiut... bị đốt phá và đụng độ giữa cảnh sát và người dân tiếp tục cướp đi sinh mạng của 5 người nữa. Có vẻ như người biểu tình không từ bỏ yêu sách đòi Tổng thống Mubarak ngay lập tức từ bỏ quyền lực. Những hình ảnh về cuộc sống thường nhật xuất hiện đâu đó trên đường phố Cairo khi một số người dân bắt đầu đi làm trở lại, công sở đã mở cửa và ngân hàng bận rộn đón khách... cùng cuộc xuống đường chưa dứt cho thấy bình yên chưa trở lại trên đất nước của các Pharaoh huyền thoại.
Người ta tin rằng, cuộc khủng hoảng đang tiệm cận ngưỡng nguy hiểm tại Ai Cập sẽ khó xuôi chèo mát mái trong thời gian trước mắt khi các nhà lãnh đạo nước này tuyên bố không có chuyện ông Mubarak từ chức ngay lập tức. Vấn đề này cần được thực hiện theo một lộ trình nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia của Ai Cập. Các cuộc thảo luận với phe đối lập như một nỗ lực nhằm ngăn ngừa mối nguy hiểm đảo chính không thể bỏ qua vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Đây là cảnh báo cho thấy bất ổn tại quốc gia Bắc Phi vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phe đối lập cho rằng Chính phủ tuy đã nhượng bộ nhưng vẫn còn quá ít và các cuộc gặp chưa đề cập đến một cuộc chuyển giao quyền lực thực sự. Điều này cho thấy cuộc mặc cả chiến lược ở Ai Cập chưa thể đi đến hồi kết.
Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn chưa thoát hiểm nhưng số phận của vị Tổng thống 82 tuổi của quốc gia bên bờ Địa Trung Hải được cho vẫn chưa bị dồn đến bước đường cùng. Vị trí lãnh đạo quốc gia 80 triệu dân của cựu tướng lĩnh này ít nhất sẽ không bị soán ngôi bất ngờ, chừng nào quân đội Ai Cập vẫn trung thành với Tổng thống. Hiện quân đội vẫn đứng đằng sau Tổng thống Mubarak khi các lợi ích kinh tế và chính trị mà ông duy trì với quân đội chưa hề thay đổi.
Thế nhưng, một cuộc chính biến không phải là kịch bản hay ho đối với sự ổn định cho chính đất nước của Kim tự tháp và cả khu vực Trung Đông, Bắc Phi. Nguy cơ hiển hiện là quốc gia chiếm vị trí trọng tâm trong thế giới Arab rất có thể sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị lâu dài, tạo đất sống màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố. Viễn cảnh này thành hiện thực sẽ là thảm họa chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Không phải ngẫu nhiên mà Cairo hiện vẫn là chủ nhân của khoản viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD/năm từ Washington. Ngay trong thời điểm này, một đất nước Ai Cập đủ sức đề kháng với khủng bố vẫn là lá bài quan trọng trên bàn cờ địa - chính trị của Mỹ trong khu vực.
Kết quả của cuộc chiến quyền lực tại quốc gia Bắc Phi vẫn chưa rõ ràng, nhưng những hậu quả kinh tế mà nó gây ra đã quá rõ. Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Ai Cập bị tổn thất nặng vì hủy chuyến và xuất khẩu giảm 6% trong tháng 1 do lệnh giới nghiêm và khó khăn trong vận chuyển hàng hóa... đang là những di sản đầy thách thức với bất kỳ một chính quyền kế nhiệm nào. Sự khốn khó của người dân đã làm dấy lên làn sóng giận dữ ở Ai Cập; do đó, chỉ có một cuộc sống tốt đẹp hơn mới tạo sự ổn định lâu dài cho đất nước này.