Bài 2: Tìm “vàng đen” trên sa mạc Sahara
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:47, 11/02/2011
Cuộc sống ở mỗi nơi tuy có những gian truân, vất vả khác nhau, nhưng họ giống nhau ở một điểm, đó là niềm tin, nhiệt huyết với công việc, cháy bỏng khát vọng tìm ra nguồn dầu khí - "vàng đen" - cho Tổ quốc.
Cán bộ, kỹ sư của Petrovietnam trên công trường thăm dò, khai thác dầu khí tại Algeria. |
Chúng tôi thật may mắn có mặt tại Văn phòng Công ty PVEP-Algeria đúng vào ngày cuối cùng của năm 2010. Vào cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mỗi người đều cảm thấy bâng khuâng, dễ dàng cảm thông, chia sẻ những vui buồn với nhau hơn. Trong căn phòng ấm áp của Văn phòng Công ty PVEP-Algeria tại thủ đô Alger chúng tôi trò chuyện về công việc, sinh hoạt hằng ngày của những người đi tìm dầu nơi "chảo lửa" sa mạc Sahara; cuối cùng lại là chuyện Tết xa nhà, nỗi khắc khoải nhớ quê hương, gia đình. Anh Lê Bá Tuấn, đồng Giám đốc Công ty Liên doanh điều hành chung dự án Bir Seba cho biết: PVEP-Algeria đã hoạt động gần 8 năm tại nước bạn. Năm 2002, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ký hợp đồng thăm dò, khai thác mỏ Bir Seba thuộc lô hợp đồng PSC 433 a và 416 b thuộc vùng Touggourt nước Cộng hòa Algeria trong vùng sa mạc Sahara, cách thủ đô Alger khoảng gần 600km. Các bên tham gia hợp đồng gồm: PVEP (Việt Nam 40%), PTTEP-Algeria (Thái Lan 35%) và Sonatrach (Algeria 25%). Đây là hợp đồng dầu khí đầu tiên do công ty của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tự điều hành ở nước ngoài.
Sau 3 năm tích cực triển khai dự án, năm 2005 đã phát hiện được dòng dầu công nghiệp tại mỏ MOM và tại mỏ Bir Seba vào năm 2006. Ngày 28-4-2008 chính thức công bố thương mại và ngày 10-2-2009 ký kết thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh điều hành chung giữa PVEP (Việt Nam), Sonatrach (Algeria) và PTTEP-Algeria (Thái Lan). Công ty có tư cách pháp nhân theo luật pháp Algeria, là nhà điều hành thay mặt các bên tham gia triển khai hoạt động phát triển và khai thác dầu khí tại mỏ Bir Seba và các mỏ khác thuộc lô hợp đồng.
Đến năm 2010 đã kết thúc giai đoạn thăm dò-thẩm lượng và chuyển sang giai đoạn phát triển, xây dựng công trình để chuẩn bị cho khai thác. Mỏ Bir Seba đã được nước chủ nhà phê duyệt kế hoạch phát triển và mỏ MOM đang được PVEP đệ trình lên các cơ quan chức năng của Algeria xem xét phê duyệt. Mỏ Bir Seba có trữ lượng thu hồi là 184 triệu thùng dầu, ngoài ra còn có 147 tỷ mét khối khí. Tuổi thọ của mỏ là 22 năm. Sản lượng đỉnh là 36 ngàn thùng dầu/ngày. Ông Trần Bình Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò - Khai thác dầu khí - Petro Việt Nam khẳng định: "Có thể nói đến nay dự án đã thành công. Các rủi ro trong tìm kiếm, thăm dò đã được loại bỏ".
Gần 8 năm triển khai dự án ở vùng "chảo lửa", với những người làm dầu khí Việt Nam ở đây là khoảng thời gian dài đằng đẵng bởi không chỉ sự xa cách quê hương về địa lý, sự khác biệt về phong tục, tập quán mà còn bởi sự khắc nghiệt đến khó tưởng tượng của thời tiết và cả những bất ổn về an ninh ở nước bạn. Trước lúc bay từ Moscow - Nga - sang đây, chúng tôi ai cũng chuẩn bị tinh thần chịu cái nóng của sa mạc, nhưng thật bất ngờ, chúng tôi phải mặc áo len, áo phao như những ngày rét đậm ở Việt Nam. Có người bảo thời tiết ở sa mạc cũng dễ chịu đấy chứ. Nghe vậy, kỹ sư Trịnh Văn Lâm, Phó Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí thuộc PetroVietnam tại Algeria cười, bảo:
- Đấy là các anh đến vào mùa này. Hè thì mới thấy hết cái khắc nghiệt của sa mạc Sahara. Ban ngày nhiệt độ tới 50-60 độ C; năm 2008, khi anh em đi khảo sát thực địa, có những hôm đến 67 độ C. Nóng đến rã rời chân tay, người như muốn khô đi. Ngày thì thế, nhưng ban đêm, nhiệt độ lại xuống rất thấp, chỉ 5 đến 10 độ C, có khi xuống 0 độ C. Mỗi năm thường có hai tháng có bão cát, vào khoảng tháng 4, tháng 5. Khi bão cát đi qua, người dân trong khu vực chỉ còn biết trốn vào trong nhà và đóng kín tất cả các cửa, ngăn không cho cát, bụi vào nhà. Thế nên, làm việc ở văn phòng tại thủ đô Alger tuy vất vả nhưng cũng "chưa là gì" so với anh em đang trực ở căn cứ, cách thủ đô Alger gần 600km. Họ không chỉ vất vả vì làm việc trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mà sự thiếu thốn về tinh thần mới là không gì bù đắp nổi. Giữa sa mạc mênh mông cát trắng, chỉ thường xuyên có 2-3 người trực, chẳng biết làm gì khác, ngoài công việc. Một bữa ăn các món Việt Nam cũng trở thành niềm mơ ước vì thực phẩm của đất nước Hồi giáo này không giống với Việt Nam. Những người gia đình, vợ, con đang ở Việt Nam thì đã đành, ngay cả anh em vợ con cùng sang đây rồi cũng rất nhiều tâm tư. Thường thì phải làm việc ở căn cứ liên tục hai tháng mới được đổi ca. Ấy là bình thường, chứ thời gian triển khai công tác thực địa, chuẩn bị cho các hợp đồng lớn thì hầu hết anh em phải ở công trường liên tục 3-4 tháng. Lắm khi vợ ốm, con đau nặng cũng không về ngay được.
Vất vả là vậy, nhưng nhiều người đã ở đây 4-5 năm, rồi cũng từ dự án PVEP Algeria, nhiều người đã trưởng thành, mang kinh nghiệm từ dự án này để tiếp tục phát triển những dự án tiếp theo ở nước khác. Kỹ sư Trình Văn Lâm tâm sự: Những năm tháng làm việc ở dự án này thật vất vả nhưng đem lại những kiến thức vô cùng quý báu cho anh chị em, vì ở đây hầu hết là những cán bộ, kỹ sư trẻ, mọi người lớn lên rất nhiều do được trải qua thực tế với vai trò người điều hành công việc, người đi đầu tư ở nước ngoài. Chúng tôi được biết, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, phụ trách công tác đầu tư nước ngoài và khoa học công nghệ là một trong số 7 cán bộ đầu tiên của ngành dầu khí Việt Nam sang Algeria làm việc từ tháng 6-2003. Anh Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng ban Hỗ trợ sản xuất của PVEP - Algeria đã "trụ" ở đây đến nhiệm kỳ thứ hai. Hôm chúng tôi cùng anh Thắng đến căn cứ dịch vụ hậu cần của PVEP- Chi nhánh Algeria nằm sát ngay thành phố Hassi Messaoud, cách mỏ Bir Seba khoảng 120km để tìm hiểu công việc chuẩn bị khai thác mỏ Bir Seba, gặp ba chàng trai: Lương Tuấn Anh, Vũ Tiến Trung và Nguyễn Tiến Đô đang trực tại đây. Lương Tuấn Anh mới được đề bạt làm giám đốc căn cứ hậu cần này, tuổi mới 31, đã có mặt tại Hassi Messaoud từ năm 2005. Công việc của các anh là trực tiếp điều hành hoạt động thăm dò tại thực địa, triển khai các công việc phục vụ thi công khoan. Căn cứ hậu cần cũng là kho bãi tập kết các trang, thiết bị phục vụ khai thác. Vì tình hình an ninh không tốt nên phải thuê lực lượng bảo vệ được trang bị cả súng, canh gác cẩn mật suốt ngày, đêm.
Anh Nguyễn Quốc Thắng cho biết, hiện tại Văn phòng PVEP-Algeria đang khẩn trương xúc tiến công tác chuẩn bị mọi mặt cho giai đoạn 1 khai thác mỏ Bir Seba. Dự kiến tại mỏ này sẽ khoan 12 giếng khoan khai thác, bắt đầu từ quý I-2011 đến quý II- 2014. Dòng dầu đầu tiên dự kiến vào quý III-2013, với sản lượng đỉnh đạt 20.000 thùng dầu/ngày. Theo kế hoạch, từ 2015 sẽ tiến hành giai đoạn 2, tiếp tục khoan 22 giếng khai thác và 14 giếng bơm ép. Trong giai đoạn này sẽ tiếp tục bổ sung hệ thống thiết bị để khai thác và bơm ép trong giai đoạn 2. Khi hoàn thành giai đoạn 2 vào năm 2016, sản lượng có thể nâng lên 36.000 - 40.000 thùng dầu/ngày.
Nếu biết rằng theo thống kê, tỷ lệ thành công trong việc khoan thăm dò dầu trên thế giới chỉ là 10-15% thì sẽ hiểu được những con số trên có ý nghĩa đến chừng nào. Bằng quyết tâm và những năm tháng lao động hết mình, những cán bộ, kỹ sư PVEP đã vượt qua thời kỳ gian khó nhất, tìm ra nguồn "vàng đen" cho Tổ quốc trên sa mạc Sahara.
Thành công từ dự án này khẳng định một chủ trương đúng đắn, bước đi đầy táo bạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với hoạt động mở rộng đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác ra nước ngoài, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời khẳng định năng lực, bản lĩnh và sự trưởng thành của PVEP trong quá trình vươn ra biển lớn, sánh vai với các nhà thầu dầu khí quốc tế. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Cương, Đại sứ Việt Nam tại Algeria đánh giá việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tham gia đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại đây là một bước đi táo bạo. Thông qua hợp tác với Công ty Dầu khí quốc gia Sonatrach của Algeria - một trong những công ty dầu khí hàng đầu của châu Phi, chúng ta có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm. Phía bạn luôn đánh giá cao tinh thần làm việc cũng như ý chí vươn lên của các cán bộ Việt Nam. Hy vọng, từ mô hình hợp tác của PVEP với Sonatrach và đối tác Thái Lan trong khai thác mỏ Bir Seba, chúng ta sẽ phát triển nhiều hình thức hợp tác đa dạng hơn, trên cơ sở bảo đảm lợi ích của các bên đầu tư.