Làng tỷ phú trẻ

Xã hội - Ngày đăng : 05:06, 11/02/2011

(HNM) - Ngược về phía Tây nam Hà Nội, tôi tới làng nghề cây cảnh Hồng Vân, Thường Tín để mục sở thị một làng cây cảnh nổi tiếng của Hà Nội.

(HNM) - Ngược về phía Tây nam Hà Nội, tôi tới làng nghề cây cảnh Hồng Vân, Thường Tín để mục sở thị một làng cây cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Dù "tiếng lành" đã được "đồn xa" song tôi vẫn ngỡ ngàng khi đứng giữa "vương quốc" của nghệ thuật cây cảnh. Anh Phạm Văn Quỳnh, một nghệ nhân trẻ trong xã chia sẻ, từ xa xưa, thông qua mỗi cây cảnh, với những chi tiết được chau chuốt khắt khe, các bậc tiền nhân gửi gắm vào đó cả quan niệm sống, niềm khát vọng, cũng như những định chế về đạo đức, đến nay quan niệm đó vẫn được duy trì. Các nghệ nhân ở Hồng Vân bám sát chiều dài lịch sử, thu nạp các yếu tố ngoại sinh, các tác nhân nội lực, phát triển nghề cây cảnh nghệ thuật.


Chăm sóc cây cảnh ở làng Hồng Vân.


Theo anh Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, cây cảnh bắt đầu du nhập vào Hồng Vân từ năm 1993, đến năm 1997 thì phát triển cho đến ngày nay. Giờ cây cảnh Hồng Vân không chỉ "nức" tiếng cả nước mà còn chuẩn bị lên đường hội nhập quốc tế. Anh Hùng cho biết, các nghệ nhân trong làng thường xuyên đi nước ngoài để giới thiệu, học hỏi môn nghệ thuật này.

Người xưa có câu: Chơi đồ cổ để giữ "thần", chơi cây cảnh để giữ "lễ". Ông Phạm Văn Măng, một người chơi cây cảnh cổ Hồng Vân cho rằng: Để gần gũi, "chơi" và sáng tạo được những tác phẩm cây cảnh, người thợ cần có một tâm hồn trong sáng, bình an để cảm nhận được những tinh túy của đất trời tích tụ vào mỗi thân cây. "Nhờ nghề cây cảnh mà thanh niên trong xã xa lánh được tệ nạn xã hội. Cây cảnh đang làm con người "mát tâm, mát tính" theo quan niệm của nhà Phật" - ông Măng nhấn mạnh. Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, nghệ thuật cây cảnh đã góp phần làm lành mạnh hóa đời sống, cân bằng, bồi bổ tinh thần cho người dân nơi đây.

Làng nghề của những tỷ phú trẻ

Mười sáu năm, một chặng đường đủ dài để người trồng cây cảnh Hồng Vân tạo cho quê mình diện mạo mới. Không còn những cánh đồng lúa độc canh, không còn những ngôi nhà lụp xụp. Đường thôn xóm đã được trải bê tông, mang lại cho mảnh đất này một sức sống mới. Hồng Vân hôm nay còn nổi tiếng là đất có nhiều tỷ phú trẻ. Cả xã có gần 300 nhà vườn, chủ yếu do thanh niên làm chủ, góp phần giải quyết việc làm cho trên 500 lao động. Nghề cây cảnh còn tạo ra hàng loạt công việc dịch vụ như vận tải, làm chậu cảnh, đặc biệt là thu hút nhiều hộ trồng cây phôi cung cấp cho các chủ vườn tạo dáng, đốn tỉa thành cây hoàn chỉnh cung cấp cho thị trường.

Nổi danh với thương hiệu "cây cảnh Quỳnh Thường Tín", vườn cây của nghệ nhân Phạm Văn Quỳnh, chàng trai trẻ trên 30 tuổi, như hút hồn du khách với hàng chục nghìn mét vuông, khoe tụ sắc đẹp của hàng vạn cây cảnh, chủ yếu là cây xanh. Theo Chủ tịch UBND xã thì hằng năm, vườn cây cảnh của anh Quỳnh cho doanh thu từ 6 đến 20 tỷ đồng. Đặc biệt, nó còn giải quyết việc làm cho thanh niên ở làng với thu nhập từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/tháng. Vườn cây của anh được đánh giá lớn nhất xã cả về số lượng và diện tích. Hồng Vân có tới 10-15 hộ có doanh thu một năm cỡ chục tỷ đồng. Có chủ vườn trẻ sở hữu hàng trăm cây có giá trị 500 triệu đến một tỷ đồng mỗi cây. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những tỷ phú trẻ làng cây cảnh Hồng Vân cho thấy sức phát triển, sự thịnh vượng giàu lên từ nghề cây cảnh ở Hồng Vân còn nhiều tiềm năng lớn. Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, đây là làng nghề có quy mô lớn nhất Thủ đô. Hiện làng nghề có khoảng 35ha đất chuyên trồng cây cảnh gồm đủ các loại, phục vụ thị hiếu cho dân chơi cây cảnh trong cả nước.

Chia tay vườn của anh Quỳnh, tôi sang "mê cung" cây xanh huyền bí của anh Ngô Xuân Giang (sinh 1971), người đầu tiên đưa cây cảnh về làng. Hiện nay, anh sở hữu vườn cây cảnh trị giá hàng trăm tỷ đồng. Cây có giá trị thấp nhất cũng đến vài trăm triệu, cây đến hàng tỷ, vài chục tỷ cũng không phải là ít. Vườn cây của anh Nguyễn Văn Chí, 38 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn thôn Cơ Giáo là không gian cây cảnh được bố trí hài hòa như một khu vườn sinh thái. Chí cho biết, hiện anh đang sở hữu trên 1.400 cây cảnh, doanh thu hằng năm tính theo tỷ đồng.

Có lẽ, còn quá sớm để khẳng định điều gì đó nhưng rõ ràng, chính nghề cây cảnh đã tạo cho bộ mặt nông thôn mới Hồng Vân sự đổi thay, giàu đẹp đến lạ kỳ.

Đỗ Minh