Đột phá từ đâu ?

Công nghệ - Ngày đăng : 05:01, 11/02/2011

(HNM) - Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, khoa học công nghệ (KHCN) tiếp tục được xác định là động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế.


Dấu ấn trong đời sống

Giai đoạn 2006-2010 được Bộ KHCN đánh giá là có nhiều thay đổi trong cách tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động KHCN. Thông qua việc giải quyết các vấn đề KHCN do thực tiễn đặt ra, năng lực nghiên cứu trong một số ngành đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy mức đầu tư còn thấp xét về giá trị tuyệt đối, nhưng trình độ nghiên cứu trong một số lĩnh vực đã sánh ngang với các nước trong khu vực.


Kiểm tra giống cây ăn quả chất lượng cao tại Viện Nghiên cứu rau quả.  Ảnh: TTXVN


Lĩnh vực KHCN được cho là có đóng góp quyết định cho sự phát triển kinh tế ngành là thủy sản. Một số công nghệ sản xuất giống thủy sản của Việt Nam đã tiếp cận hoặc vượt trình độ trong khu vực, như sản xuất cá song, cua biển có tỷ lệ sống đạt từ 6% đến 8%, cao hơn so với trung bình của Đông Nam Á (3-5%); thành công trong sinh sản nhân tạo cá hồi vân; tôm sú bố mẹ đạt tỷ lệ sống từ giai đoạn tôm trưởng thành đến tôm bố mẹ là từ 40% đến 50%, tương đương Thái Lan. Với doanh số đạt 5 tỷ USD năm 2010, Việt Nam trở thành một trong mười nước xuất khẩu thủy sản nhiều và ổn định nhất thế giới. Thành công này có vai trò nổi bật của KHCN.

Trong nông nghiệp, các nhà khoa học đã tạo ra hàng trăm giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thay thế giống nhập ngoại, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu. 5 năm gần đây, KHCN đã tạo ra 142 giống cây trồng mới. Chương trình giống đã mang lại hiệu quả lớn trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía... Đặc biệt, tiến bộ kỹ thuật trong canh tác đã giúp 100% diện tích đều có năng suất tăng 4-5 lần, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 4 lần và đạt con số 500 triệu USD.

Trong công nghiệp, KHCN đã giúp lựa chọn hướng đi đúng về công nghệ và thúc đẩy năng lực hấp thụ, cải tiến, đổi mới công nghệ của các ngành, lĩnh vực. Các nhà khoa học Việt Nam đã tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo được nhiều thiết bị cơ khí chính xác, siêu trường, siêu trọng; làm chủ công nghệ đóng tàu trọng tải lớn; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản; thiết kế, thi công công trình quy mô lớn, phức tạp, các loại cầu vượt sông khẩu độ lớn... Đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp đã góp phần làm cho sản xuất công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng cao liên tục trong những năm qua.

Trong y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các nhà khoa học đã làm chủ được nhiều công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đưa trình độ y học của nước ta lên ngang tầm với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã chủ động sản xuất được nhiều loại vắcxin, giúp phòng ngừa và từng bước thanh toán các bệnh hiểm nghèo. Nhiều công nghệ, kỹ thuật cao (xử lý tế bào gốc, tạo da để chữa bỏng, thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng...) và phác đồ điều trị tiên tiến đã được áp dụng, giúp chữa kịp thời nhiều bệnh nan y, giảm chi phí cho xã hội và cộng đồng.

Đột phá "điểm" nào?

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Thường trực Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn một số yếu tố làm giảm hiệu quả hoạt động KHCN cũng như hạn chế đóng góp của KHCN vào sự phát triển của đất nước. Đó là việc chưa huy động được đủ nguồn đầu tư cho KHCN; thiếu chuyên gia giỏi và nhìn nhận vai trò của KHCN chưa "đúng tầm".

Có thể thấy rất rõ điều này qua kinh phí dành cho hoạt động KHCN hiện nay chủ yếu là từ ngân sách. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chi ngân sách cho KHCN cao, mức chi tương đối là 2% tổng chi ngân sách (tương đương 0,5% GDP) được duy trì liên tục trong 10 năm qua. Ở nhiều nước khác, tỷ lệ này chỉ là 0,3-0,4% GDP. Trong khi đó, Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2010 đặt ra mục tiêu nguồn đầu tư cho KHCN khoảng 1,5% GDP, trong đó từ ngân sách nhà nước là 0,5% và từ xã hội là 1%. Nhưng đến thời điểm này, các chỉ tiêu trên đều chưa đạt. Điều này dẫn đến thiếu nguồn lực dành cho nghiên cứu cũng như ứng dụng KHCN, làm hạn chế hiệu quả của hoạt động KHCN đối với xã hội. Đặc biệt, nhiều cấp quản lý chưa "thấm" được vai trò của KHCN đối với sự phát triển nên hoài nghi, chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Đến nay, nhiều địa phương vẫn không đầu tư đủ 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KHCN. Mặt khác, nước ta còn thiếu các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, nhân lực KHCN trình độ cao, thiếu công bố quốc tế, rất ít nhà khoa học Việt Nam được giải thưởng quốc tế.

Ở một góc độ khác, để KHCN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phải hình thành những doanh nghiệp (DN) mạnh, tiên phong trong việc đổi mới công nghệ. Thế nhưng Việt Nam chưa có nhiều DN này. Chương trình "Ươm tạo công nghệ và ươm tạo DN" được Bộ KHCN triển khai trên toàn quốc mới khởi động những bước đầu tiên. Việc ít DN trích lợi nhuận để lập quỹ KHCN, quỹ đầu tư mạo hiểm... không thể nói là lỗi hoàn toàn tại họ một khi cộng đồng DN - lực lượng nhanh nhạy nhất trong việc nắm bắt các cơ chế chính sách, chủ trương mới - cảm thấy những thủ tục, quy trình khiến họ còn thiếu niềm tin.

Được biết, thời gian tới, Bộ KHCN sẽ hoàn thành xây dựng đề án về đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN, vốn được xem là "hạn chế của hạn chế" thời gian qua. Điều này được kỳ vọng sẽ là điểm đột phá để các nhà khoa học có quyền tự chủ cao hơn, được đầu tư nhiều hơn và được làm chủ những tài sản trí tuệ do mình tạo ra và cũng từ đó nâng cao chất lượng hoạt động KHCN của nước nhà..

Trà My